Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Hoàng thượng băng hà!


Hoàng thượng băng hà!

Chuyện xưa kể rằng có một vị vua già, trước lúc lâm chung điều mà ngài ao ước nhất là làm thế nào để đọc toàn bộ những quyển sách mà ngài đã sưu tầm trong thời chinh chiến. Người ta nói cái thư viện của ngài có tới hàng triệu đầu sách kim cổ của nhiều quốc gia lân bang mà trong thời gian chính chiến trên lưng ngựa ngài đã mang về, và xem nó như là một chiến lợi phẩm. Ngài dự định khi dừng cuộc binh đao, thiên hạ thái bình, ngài sẽ dành phần đời còn lại để đọc toàn bộ những kiến thức quí báo của nhân loại.

Ước nguyện thiên hạ thái bình rồi cũng thành hiện thực, trăm sông về một mối. Giờ đây ngài là vua của một cõi, thiên hạ chí thú làm ăn, khắp nơi dân chúng đều một lòng một dạ trung quân. Mỗi bước chân vi hành của ngài luôn ngập tràn hân hoan như sấm dội: hoàng thượng vạn tuế, nhà vua anh minh sáng suốt đời đời. Sự nghiệp trị vì của ngài mãi mãi quang vinh,.. Nơi nơi bốn bể đâu cũng là bạn hiền. Các quốc gia lân bang thì thần phục. Thậm chí thằng bạn lớn to đùng phương bắc cũng lấy làm ganh tị với ngài lắm lắm.
Sáng sáng ngài lên đỉnh chót lầu son, rút ống nhòm nhìn khắp thiên hạ trong lòng mãn nguyện vô cùng. Đám quần thần chung quanh thì trung thành tuyệt đối. Tuy chỉ vì cái sự tranh ăn miếng ....dỡ nên còn có đôi khi cấu xé, nhưng về cơ bản, tinh thần đoàn kết nội bộ vẫn được duy trì và phát huy mạnh mẽ như ý chí tiền nhân răn dạy. Tinh thần tự nguyền rủa và nguyền rủa lẫn nhau trong nội bộ không ngừng được hoàn thiện và nâng cao từ khi ngài bước vào vương triều thống lĩnh thiên hạ.

Ngài cũng là con mọt sách trong thời khói lửa binh đao. Đi đến đâu bất cứ khi nào có khoảng lặng ngắn ngủi ngài đều đọc sách. Các tác phẩm ấy đa phần là sách ngài tự viết để cho mình và đám thuộc hạ đọc.
Điều cấm kỵ là bất kỳ ai khi đọc các tác phẩm tự sáng tác của ngài bao giờ cũng phải khen nức nở. Thậm chí có những buổi thảo luận cùng khen với những sáng tác mới nhất của ngài, ngỏ hầu để phát hiện tính độc đáo trong các tác phẩm siêu phàm của ngài, cũng như các bậc tiền bối của ngài. Điển hình trong số ấy có tác phẩm "mênh mông tình ái" của tiên sinh Khả Dĩ, vốn đề cao tính sùng bái bản thân. Ngoài những tác phẩm ấy ra ngài cũng đọc nhiều tác phẩm tiên đề khởi nghiệp của một vi vua như Tiền bạc luận, lịch sử một nhà vua, mấy vấn đề về lý luận xây dựng pháo đài dành cho vua vững bền,...Để đảm bảo tính trung thực trong đọc sách và tính thấu hiểu trong các tác phẩm vĩ đại của mình, ngài cho thành lập ban soạn chữ nhà vua. Đây là viện chuyên về sử dụng từ ngữ sao cho ngoài đám quần thận tận trung ra thì ai đọc vào cũng phải điên cái đầu vì tính triết lý của nó!

Một ngày nọ khi ngồi bàn thế sự với đám quần thần ngài bất chợt bày tỏ cái ước ao mà bấy lâu nay ngài thầm mong đợi, đó là đọc hết cho kỳ được cái đám sách chiến lợi phẩm của mình ở cái thư viện kề bên. Nghe thế rất nhiều quần thần can ngăn ngài. Người thì bảo với sự thông thái hơn người của bệ hạ thì đám sách kia có xá gì! Ngài đừng bận tâm thứ kiến thức được viết ra không định hướng ấy. Đọc vào chỉ tổ làm tha hoá nhân cách, làm suy thoái đạo đức,...Hơn nữa ở tuổi cao sức kém gần đất xa trời ý lộn gần thiên đàng xa địa ngục, ngài chẳng dại gì lôi đám rác rưởi ấy về chi cho bẩn long thể vốn sáng ngời đạo đức của bệ hạ!

Nghe xong lời khuyên bảo của đám cận thần, nhà vua ngổn ngang bao tâm tư giằng xé. Sáng hôm sau ngài quyết định dù gì cũng phải ít nhiều đọc mớ tàn thư đó trước khi chết. Khi long mão chỉnh tề, ngài thân chinh trên con tuấn dương đời bốn con không cùng đám thuộc hạ đến thư viện triều đình. Gặp tay thủ thư già, ngài bèn nói cái ý định của mình: " Ta nay tuổi cao sức yếu, liệu không biết ngày nào sẽ về gặp các bậc tiên đế. Ý nguyện cuối đời của ta là được đọc mớ kiến thức của nhân loại mà nhà ngươi nắm giữ. Vậy khanh có lời khuyên nào giúp ta đọc hết mớ kiến thức đó chăng? Nghe lời yêu câu của nhà vua. Lão thủ thư lặng lẽ dẫn ngài vào bên trong những kệ sách chất chồng bụi phủ thời gian. Mỗi động tác lần dỡ những quyển sách khiến lớp bụi bay mịt mù, nhà vua thấy khó thở và choáng ngộp với mớ kiến thức khổng lồ. Sau khi quan sát ngài thở dài ngao ngán: Ta nay đã ngoài 80, với đống sách khổng lồ này thì không biết liệu khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại ta có thể nào đọc hết không? Nói xong ngài quay ra vị thủ thư già truyền lệnh: Giao cho ngươi mấy mươi năm trông cái thư viện này, ta biết hẳn ngươi cũng biết đâu là kiến thức tổng quát của đông tây kim cổ. Nay ta lệnh cho ngươi trong vòng 3 năm phải làm thế nào tóm tắt tất cả kho tàn kiến thức nhân loại vào trong một trăm quyển sách.

Sau khi truyền lệnh, nhà vua mệt mỏi leo lên cỗ xe dê trở về triều tiếp tục theo đuổi môn y học yêu thích, khám phá cơ thể người.

Thắm thoát thời gian thoi đưa. Thời hạn ba năm đã đến, lão thủ thư già trông đã gần đất xa trời lắm rồi. Đích thân lão phải điều ba cỗ xe voi chở một trăm quyển sách đến tận long sàng cho nhà vua thưởng thức. Lúc ấy bệ hạ đang bận suy tư bên án thư. Nghe quân lính bẩm áo có vị thủ thư già muốn gặp, Bệ hạ bèn bước ra cửa đón. Khi nhìn đống sách khổng lồ trên ba cỗ xe voi, bỗng khắp châu thân ngài mồ hôi úa ra đầm đề. Ngài khoát tay lia lịa bảo lão thủ thư và đám quan lại trông coi chử nghĩa đem đống sách ấy về và lệnh cho ông trong vòng một năm tới phải làm sao tóm tắt tất cả mớ kiến thức còn lại chỉ trong một quyển sách duy nhất.

Sau khi nghe lệnh của nhà vua, lão thủ thư bèn quay sang nói rằng. Kiến thức nhân loại mênh mông như biển nước. Chi bằng ngài cho phép thần mở hội góp ý xem coi liệu cách gì hay nhất để tóm gọn kiến thức nhân loại trong vòng một năm may ra có được những kiến thức cơ bản nhất trong một quyển sách theo ý bệ hạ!?

Quả nhiên hội góp kiến thức tóm tắt được ban hành. Mọi thần dân ai cũng có quyền góp kiến thức của mình vào bất kỳ lĩnh vực nào họ yêu thích , không có bất kỳ vùng cấm kỵ nào. Quá trình góp ý diễn ra suôn sẻ. Mọi người ai cũng hào hứng dâng lên nhà vua những kiến thưc uyên bác và độc đáo nhất. Đám quan lại và ban canh gác chử nghĩa ngày đêm thu thập thông tin bở hơi tai. Chừng nghe đâu công việc sắp đến hồi kết. Bổng một hôm lão thủ thư nhận được công điện hoả tốc" hoàng đế sắp băng hà, ai ai có việc bẩm báo nào quan trọng hãy đến gặp đức vua lần cuối". Tay chân hãy còn lấm lem đầy mực in, lão thủ thư vội kêu anh đánh xe chạy một mạch đến triều đình để được hội kiến nhà vua trước lúc lâm chung. Vừa bước vào long sàng, Lão thủ thư gục xuống nắm tay vua nức nở:
- Thần thật có lỗi với bệ hạ xin ngài mở rộng lượng thứ vì đã không làm tròn trách nhiệm được giao!?
- Khanh chẳng có lỗi gì cả. Lỗi là ở ta không sống đủ lâu để đọc được quyển sách mà khanh đã vì ta biên soạn. Ta chỉ tiếc và ân hận cả đời mãi mê chay theo các thứ vô nghĩa mà quên đi những kiến thức quý giá của nhân loại. Thôi thì trước lúc ra đi về với tiền nhân, nay phiền ngươi tóm tắt cho ta toàn thể cái góp ý mà dân chúng đã đóng góp vào trong một câu duy nhất thôi!?
Lão thủ thư ngần ngừ mãi chẳng dám thưa thốt. Thấy thế nhà vua càng giục. Khanh hãy vì ta tận trung mà nói cho ta biết kiến thức của nhân loại đi. Khanh cứ chần chừ mãi, ta e không còn đủ thời gian để lắng nghe!
Nếu không phải phạm tội khi quân thần xin được nói. Dân chúng thì góp ý nhiều lắm nhưng tựu trung chỉ xoay quanh câu: "Cả đời đã không học hành thì giờ có nói, có góp ý gì chi nữa cũng như đàn khảy tai trâu thôi ạ!"
Nghe xong câu nói của vị thủ thư già mẫn cán chợt đôi mắt nhà vua long lên, sắc mặt ngài đầy vẻ ăn năn hối cải. từ trong cổ họng ngài thoát ra tiếng nấc nghẹn cuối cùng. Cái chết về với ngài mới vô nghĩa làm sao. Đám quan lại, hoàng thân quốc thích gào khóc ầm ĩ. Lão thủ thư già cũng trút hơi thở cuối cùng cạnh long sàn!
Nhan Nghia