Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Làng tôi đâu rồi!?

Hôm nay ngồi buồn bổng nhớ hai câu thơ trong Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu "Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Gẫm cười hai chữ ân tình éo le!". Hai câu thơ gợi nhớ ngày quá khứ ngày xưa khi trở về làng tôi. Ngôi làng nhỏ xíu, trù phú nằm dọc bờ sông Tiền bị tàn phá nặng nề bởi dòng chảy hung hản của con sông mỗi mùa nước nổi tràn về.
Sau 30/75 cả gia đình dắt díu nhau về làng ni sau khi ba đã được tẩy não. Nhà cửa bị tịch thu, bị đuổi việc. Hồi xưa ông già làm hiệu trưởng trường Kỹ Thuật Nông Thôn ở Vĩnh Long. Lúc đó còn nhỏ, chỉ mới mười tuổi. Việc trở về làng nơi chôn nhao cắt rốn của mẹ đối với mình là một chuyện gì to tát và kỳ thú lắm. Không kỳ thú sao được, vì với trí tưởng tượng của thằng nhóc như mình là biết bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp đang chờ đón nó. Nào là tha hồ tắm sông, đi bắn chim, câu cá, đi mò cua bắt ốc,...toàn là tưởng tượng bao nhiêu chuyện để chơi và càng ít nghĩ đến việc đi học chừng nào càng thích chừng đó! Từ một thằng nhỏ thành thị, bước vèo một cái về với thế giới nông thôn, với mình quả là điều hết sức kỳ diệu.
Điều đầu tiên một thằng nhóc như mình cảm nhận được đó là đêm đầu tiên ở thôn quê không có ánh điện. Cả nhà chỉ có mỗi cái đèn dầu Huê Kỳ trứng vịt cháy leo lét. Vì là dân thành phố nên chuyện ăn cơm cũng theo nếp xưa, thông thường bữa tối vào tầm khoảng sau 18 giờ. Cả nhà năm anh em toàn lích nhích. Thằng lớn nhất là mình. Đám em nhỏ nhặng xị đòi ông già mình bật đèn để xem tivi. Ông già mình đành nói dối bọn nhóc là điện bị mất nên không thể xem ti vi được. Mấy đứa nhỏ thấy bóng tối nên càng sợ ma tợn. Mình làm anh thấy tụi nhỏ bảo ma nên cũng cuống cuồng theo.
Cả tháng đầu mỗi khi bóng đêm phủ chụp xuống sau ngày vui chiến thằng, lũ nhóc anh em nhà mình chỉ trùm chăn ngồi túm tụm trên giường chờ đợi bữa cơm tối. Tịnh không một thằng nào can đảm dám mò ra ngoài để đi đái.  Cũng vì cái tính sợ ma này mà thằng em thứ tư của mình dính cái tật đái dầm kéo dài cho tới khi nó 14 tuổi!?
Con người vốn là một sinh vật thích khi khá tốt với sự thay đổi môi trường! Dần dà rồi đám anh em nhà mình cũng bắt đầu hội nhập với đời sống thôn quê. Chúng nó không còn đòi ông già mở điện để xem ti vi, không còn sợ ma như cái hồi mới về. Mình cũng đã can đảm hơn khi dắt mấy thằng em đi đái ban đêm. Sống ở làng quê có cái thú là đái chỗ nào cũng được.
Nhà mình vườn rộng, cây cối um xùm vì bị bỏ hoang mấy chục năm nên đêm về thường nghe tiếng chim cú kêu rùng rợn. Mình nhớ có hồi thằng em thứ tư nhà bị bệnh kéo dài cả tháng. Lúc đó chả có bệnh viện hay thuốc tây gì cả. Tất tần tật nhà mình ai bệnh thì đi trị bệnh mấy thầy lang trong vườn. Thuốc của mấy ông lương y làng tôi chỉ là cây thuốc nam được mấy người làm từ thiện hái về phơi khô chặt nhỏ để làm thuốc. Thằng em bị bệnh ban bạch? bệnh tình thằng nhỏ kéo dài đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Mấy ông thầy thuốc nam tiên lượng thằng nhỏ sẽ chết. Đêm nào tiếng đám cú vọ kêu là bà già khóc dữ lắm.
Người miền tây cho rằng tiếng kêu con cú mèo là điềm gỡ!? Còn nhớ hồi nhỏ đọc mấy tờ báo xuất bản trước khi miền nam lưu vong tờ Thần Chung thì phải, có đăng phóng sự trước khi tử hình cậu Út Trầu-Ngô Đình Cẩn thì đêm hôm trước tử hình có con chim cú mèo đậu trên nóc khám Chí Hoà kêu suốt đêm?
Mỗi lần đám cú mèo kêu ông già ra ngoài vườn lượm đá ném để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Nhờ may mắn có ông thầy Năm Đạt, ông trước đây là thầy giáo làng, ổng có bằng đíp-lôm thời tây cũng hành nghề thuốc nam. Ổng đến gặp ông già mình và nói " thằng nhỏ có lẽ không còn sống được bao lâu. Mọi phương cánh thầy-ba mình cũng đã lo cho nó rồi. Thôi thì phước chủ may thầy. Tôi chỉ còn phương thức cuối cùng may ra cứu được thằng bé" Nói xong ổng kêu ông già bế thằng bé ra ngoài để ổng lể. Lể trong đông y thời đó là dùng mảnh sành sạch cắt lên da đứa em mình. Cắt chỗ nào ổng dùng tay nặn máu chỗ đó. Ổng bảo là máu thằng nhỏ có màu đen? Lể đau đớn vậy mà thằng em mình chả hề khóc tiếng nào, đơn giản vì thằng nhỏ quá yếu để mà có phản ứng lại với đau đớn.
Sau khi lể xong, Cậu Năm Đạt-mình kêu ổng bằng cậu về phòng mạch bốc cho thằng nhỏ một thang thuốc. Ổng nói với ông già sau ba thang mà thằng nhỏ không ngồi dậy ăn cháo thì tôi cũng đành bó tay! Ơn trời sau ba thang thuốc của ổng thằng em mình hồi phục và khỏi bệnh hẳn. Thằng em khỏi bệnh bà già đến quỳ lại cậu năm rồi oà khóc nức nở!
Ông thầy năm Đạt người ốm như que củi, chỉ ăn chay trường. Trong nhà ổng cực kỳ sạch sẽ, ổng sống thanh tịnh. Cứu người nhưng ai đưa tiền ổng đều không nhận và cực kỳ khó tính. Ai có bệnh đến mà có thái độ không phải là đuổi về không điều trị. Thường người bệnh đến điều trị chỉ cần trả công cho ông Năm bằng cách hái mấy cây thuốc mọc hoang về rửa sạch, bỏ bao đem đến để ổng làm thuốc. Mỗi tuần ổng đóng cửa một lần, dắt chiếc xe đạp đòn dong đi kiếm thuốc khắp các vườn trong làng. Vườn nhà mình rộng lại còn khá hoang hoá nên hầu như tuần nào cũng thấy cậu năm lúi húi đào xới để tìm thuốc. Bà già mình thi thoảng có đồ ăn đem biếu nhưng ổng không nhận, phải lén lút đưa cho mợ năm. Ổng mà biết được mợ năm nhận đồ biếu của ai là ổng đánh dữ lắm.
Cậu năm có ba người con, nhà không có ruộng vườn chi cả mấy người con của cậu năm cũng làm thuê, làm mướn trong làng, mợ năm cũng làm thuê. Ba mình hay kêu mợ năm làm cỏ vườn. Bà có tâm rất sạch, nghèo khó vậy mà không bao giờ sơ múi bất cứ cái gì của ai. Làm vườn nhưng hễ thấy trái cây trong vườn rụng, bà đều lượm rồi đem vô cho má mình.
Mỗi khi làm vườn bà năm đều bới cơm đem theo. Buổi trưa của bà thường thấy là muối mè, và ít rau dại hái trong vườn. Khi nào ngon lắm có cái trứng luộc hoặc miếng đậu hủ kho nhỏ xíu!
Anh con lớn của mợ năm tên là Bé Ba, anh này trước đây đi lính chế độ cũ, bị thương nên sau khi về làng thay đổi tính tình suốt ngày nhậu như hủ chìm. Anh năm con út đi bộ đội ở Campuchia bốn năm mới về làng dắt theo cô vợ người Campuchia. Về được năm ngày trở lại Cam rồi biệt tích luôn từ đó.
Chị Bé Tư yêu một người làng khác dắt về nhà giới thiệu cậu Năm không đồng ý. Nghe nói chị khóc hết nước mắt năn nỉ mà ông già cũng không thay đổi quyết định. Bỏ nhà theo trai và biệt tích luôn từ dạo đó. Người trong làng không ai còn thấy chị trở về vì nghe nói cậu Năm đã từ chị và thề độc "tao có chết mày cũng đừng có trở về mà chịu tang". Tội nghiệp mợ năm phận đàn bà cam chịu, bà ngày ngày lầm lũi như chiếc bóng. Ngày ngày đi làm thuê mua gạo để nuôi ông thầy thuốc thanh bần!
Cậu Năm Đạt mất không thấy bất kỳ đứa con nào về chịu tang ông ngoài anh Bé Ba ngồi cạnh quan tài say ngất ngưỡng. Cậu năm mất bà Năm cũng bỏ làng đi ra chợ Sa Đéc ăn mày, bà già yếu quá không ai còn thuê. Ông già mình bảo mợ năm lang thang đi ăn xin thấy đau lòng làm sao!
Bà năm chết vào một ngày mưa khóc lóc tháng bảy. Bà chết không một giọt nước mắt khóc thương nào nhỏ xuống cho bà. Ngày bà chết nghe đâu hội từ thiện cho cái hòm bằng ván gòn, người ta liệm bà trong áo quan rồi đem thiêu. Anh bé ba giờ không còn uống rượu nữa mà hành nghề chạy xe ôm. Ông già thi thoảng có gặp ngoài chợ Sa Đéc. Mỗi lần gặp ảnh hỏi thăm mình "thằng Cu nhà chú giờ làm gì sao không giúp gì được cho chú hay sao mà chú già rồi còn phải đạp xe đạp đi chợ cực khổ vậy chú!?" hic
Nước mình sắp được lên thiên đường tới đít rồi, con người ai cũng có quyền chọn cho mình cảnh khổ để hưởng sái nghĩ thiệt là nhân văn và độc đáo lạ thường! Ai chưa một lần lâm vào cảnh khổ cũng nên thử tham gia vào đám người cùng khổ một lần để nếm trải cay đắng mùi đời cho biết, kẻo sau này có muốn khổ, muốn chết chẳng còn dịp nữa, bởi rồi tất cả chúng ta đều sống mãi như tiên ông Bành tổ đó thôi!

Cậu Ba Thạch.

Ông bà ngoại gốc người Làng Thượng văn khi xưa. Làng bị thuỷ phá nặng nề là do nằm dọc sông Tiền. Thực ra hồi trước vùng đất này là cù lao gồm có nhiều làng nhỏ. Cù lao này nối với đất liền qua cây cầu nhà Thương để bắc qua nhà thương Sa Đéc do pháp xây dựng tại làng Tân Hưng. Cầu này sau giải phóng bị thuỷ phá, lở xuống sông luôn, bệnh viện Sa Đéc cũng chịu chung số phận!
Sau thời gian dài bị thuỷ phá làng Thượng Văn, dân vùng này mới tìm về làng An Hiệp sinh sống trong đó có ông bà ngoại mình. Nhờ chịu khó lao động nên ông bà ngoại cũng tích tụ ruộng đất kha khá. Thời tây ông ngoại cũng thuộc nhóm điền chủ. Vì thế khi ông ngoại dời về làng An Hiệp thì cũng đồng thời kéo mấy người tá điền nghèo, trung thành về cùng với ông, và cả cùng với một số bạn bè của ông ngoại khi xưa ở làng Thượng Văn. Đem họ về thì dĩ nhiên cũng phải cho đất cất nhà tá túc tạo thành một cái xóm nhỏ độ chừng chục nóc gia.
Nhà ông ngoại là điền chủ nên là nhà to nhất trong xóm đó, xung quanh bao gồm các tá điền nghèo, mấy người bạn bợm, bạn câu, bạn đánh bài  nhận đất canh tác của ông ngoại, họ chỉ đóng huê lợi nhỏ hằng năm.
Bởi chẳng lạ, sau năm 75 gia đình nghèo khó của mình về đây được người làng cưu mang và giúp đỡ thật nhiều. Nào là giúp dựng nhà, cho mượn hạt giống gieo trồng cho các vụ mùa mới, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cách lật đất phơi khô diệt cỏ dại, bón phân tưới nước và cả giúp luôn việc thu hoạch ra sao, giúp kêu mối lái, giúp bán buôn,...
Hồi về cất nhà trên mảnh đất xưa từng là nhà của ông ngoại, nghe nói cái nhà to ấy cậu hai dỡ đem xây dựng nhà máy lúa bên làng An Tịch. Công việc bết bát thế nào mà bỏ hoang luôn! Cạnh ngôi nhà gỗ của mình là nhà của ông Hai Thủ. Ong già có thú câu cá bông lao trên sông tiền. Mỗi lần thấy ông hai Thủ đi câu trông cực ấn tượng. Dụng cụ đồ nghề bao gồm một cái cần trúc đen nhánh, một cái giỏ đan bằng tre được cột thắt ngang hông, dầu đội nón là và cả một ấm trà nhỏ. Cứ thế ông già đi câu suốt cả ngày ngoài bờ sông không cần ăn gì cả. Thi thoảng ông tợp ngụm nước trà, bập điếu thuôc rê vấn bằng giấy báo.
Có lần ông già câu được con cá bông lao nặng gần 8 ký lô. Đám trẻ trâu như mình cứ mà mơ mãi có ngày cũng được con cá bự tổ chảng kia. Mình cũng ham câu nhưng chỉ toàn là cá bé!
Ông hai Thủ sống rất nhàn hạ. Cả ngày ông chỉ ngồi ở bộ tràng kỷ uống tràl, chỉ dạy đám con cháu các công việc nhà. Mẹ mình bảo ông hai Thủ là bạn đánh bài của ông ngoại. Ông thường cùng ông ngoại đi đánh bài ở mấy dịp cúng đình, giỗ chạp trong làng. Ông làm công việc tay hòm chìa khoá cho ông ngoại. Mỗi khi thấy ông ngoại đánh bài thua tan tác thì ổng không xuỳ tiền ra nữa và úc đó ông ngoại cũng phải biết đứng lên mà đi về! Có lẽ vì quý cái tình này mà ông ngoại đem ông hai Thủ từ làng Thượng Văn về ở cùng? Tính ông hai cũng hiền, lúc nào gặp ổng cũng phì phèo trên môi điếu thuốc vấn ướt nhẹp. vừa nói vừa ho sặc sụa vì khói thuốc. Tóc ông bạc trắng, hai lỗ tai dảo to và hướng về phía trước. Người ta bảo tướng này thông minh và khôn đáo để.
Ông hai có năm người con, hai trai ba gái. Bất hạnh nhất và nghèo khó nhất là cậu ba Thạch người con thứ ba của ông hai. Người trong làng đồn rằng hồi xưa khi cậu ba đi lấy mợ ba, người tỉnh Kiến Phong-Cao Lãnh bây giờ, ông hai có đến nhà để thăm hỏi tình cảnh của bên vợ cậu ba. Người ta bảo bên mợ ba có bệnh điên di truyền. Ông hai biết được tin này nên quyết liệt ngăn cản cậu ba lấy mợ ba. Nghe đâu vì cấm cản mà cậu ba đòi tự vẫn. Thương con ông hai nuốt đắng vào trong, dựng vợ gã chồng cho cậu ba!
Câu ba và mợ ba có với nhau năm người con, bốn trai một gái. Ông hai đặt con theo vần mà ông nghĩ rồi cuộc đời chúng sẽ lanh lẹ. Đá, Bế, Danh, Lanh,Lẹ. Rủi thay lanh lẹ đâu không thấy mà cậu ba nhận được ba thằng con trai đầu đều bị ngớ ngẩn. Riêng chị Bế và thằng út Lẹ may mắn bình thường...để chứng kiến nỗi đau phiền muộn của gia đình. Mợ ba có lẽ là người đau khổ hơn cả. Bà lúc nào cũng mang khuôn mặt sầu khổ vì đã đẻ cho gia đình ông hai đám cháu nội đích tôn đáng buồn như thế!
Anh Đá lớn hơn mình khoảng năm hay sáu tuổi gì đó. Dù tính tình ngớ ngẩn nhưng anh là người cực kỳ sạch sẽ. Lao động giúp cậu ba hết sức chăm chỉ. Nhà cậu ba ngoài thửa ruộng đâu khoảng chục công, mỗi năm trồng một vụ lúa thơm cấy hai lần, cũng thừa gạo để ăn trong gia đình. Ngoài ra nhà cậu ba còn có nghề làm bột gạo nuôi heo. Bột gạo Sa Đéc nổi tiếng vì ngon. Từ bột này mà người ta làm ra bún, hủ tiếu,...
Anh Đá sáng nào cũng thức sớm cho heo ăn rồi xay bột cho cậu ba. Mỗi sáng một mình anh xay 40 chục kí gạo ngâm. Xay xong thì mợ ba bồng bột trong túi vải, anh cho heo ăn và tắm heo. Chuồng heo anh Đá chăm sóc sạch như trong nhà. Đám heo ở trong chuồng da con nào cũng bóng lưỡng, sạch sẽ chẳng dính tí phân. Công việc cứ thế quần quật cả ngày. Tầm khoảng 4 giờ là anh xuống sông tắm gội sạch sẽ, mặc vào người cái áo sơ mi được anh xếp gọn cẩn thận, lót dưới gối nằm cho thẳng thớm. Xong xuôi đâu đó anh thả bộ ngang qua nhà mình đến ngồi lên gốc dừa xiêm nghiên xuống bờ sông, nơi phía bên kia là nhà chị Nghị con bà Tám Xê.
Chị Nghị con gái đầu lòng của bà Tám xê và ông tám mù. Tướng chị Nghị tròn lẳng, làn da con gái miệt vườn trắng hồng, ẩn bên dưới lớp áo bà ba là cặp vú con gái đương thì tròn trịa.
Anh Đá ngẩn ngơ, thiểu năng trí tuệ, ăn nói cà lăm đem lòng yêu chị Nghị. Chiều nào tầm 5 giờ chị Nghị đều xuống sông tắm táp.
Hồi đó con gái làng tôi ai cũng tắm sông, người ta nói nước sông Tiền làm cho da con gái vùng Sa Đéc-Nha Mân trắng mịn màng. Có lẽ nhờ dòng phù sa quý giá bao đời chứa nhiều khoáng chất cũng nên? Anh Đá cứ mỗi khi đến đó là lôi bọc thuốc rê ra vấn một điếu thiệt to. Móc cái hộp quẹt đá lửa, xạch xạch vài cái rít một hơi dài sảng khoái, đôi mắt lim dim hướng về cầu bến sông chờ đợi giây phút thần tiên-chị Nghị đi tắm. Anh Đá nhìn chị nghị tắm thi thoảng rít đầu thuốc đỏ rực trong bóng chiều hoàng hôn chạng vạng. Ngồi lặng lẽ nhìn bất động tợ như bức tượng đá người đàn ông trần truồng chống cằm ngồi trên hòn đá suy tư của danh hoạ Michelangelo. Thoạt đầu, chị Nghị cũng chả thèm để ý gì chuyện cái anh khùng ngồi đó vì phần là thơ ngây con gái miệt vườn!
Một hôm có ông già ba Tiếu cắc cớ đứng sau thò tay bóp chim lúc anh Đá đang trầm tư, phát hiện cái của nợ anh Đá sưng chỏng vó. Ông già la lên "thằng Đá nó mê con Nghị rồi". Sau cái đận tẽn tò ấy chị Nghị mới biết cái nguyên cớ gì khiến anh Đá ngồi đồng bên gốc dừa mỗi chiều buông! Từ dạo ấy, anh Đá ghét cay ghét đắng cái ông già ba Tiếu đã làm anh xấu hổ. Chị Nghị cũng cẩn thận hơn, chỉ tắm khi nào không có cái mặt anh Đá si tình. Người làng bảo con gái mà bị thằng ngớ ngẩn yêu sẽ làm mất duyên con gái. Không biết có đúng không, có điều chị Nghị giờ vẫn mãi phòng không lẽ bóng, chậm chạp đi qua thời gian phiền muộn cô đơn!
Một sự kiện nổi đình nổi đám nhất làng nghèo mình thời đó là việc cô sáu của anh em nhà Lanh Lẹ lấy chồng. Cô sáu làm thư ký cho một công ty thương nghiệp ở Vĩnh Long. Chồng cô sáu là một chú bắc kỳ nhà quê đeo quân hàm trung uý. Dượng sáu tướng ta xấu xí, mặt sắt đen sì sì tợ Hà Tôn Hiến, chằng chịt những vết sẹo lồi trông thật hung ác. Những vết sẹo đó theo lời bà hai là dượng sáu bị thương thời chống Mỹ!
Ngày dạm hỏi cô sáu có cả một đoàn các chú bộ đội xí xào giọng chi cực khó nghe. Ông hai Thủ và bà hai cũng như cả đại gia đình anh em Lanh Lẹ vui đáo để. Thằng Danh, thằng Lanh suốt ngày khoe về dượng sáu tao làm lớn lắm. Dượng sáu tao có cây súng lục dắt hông thiệt là oai. Bà hai mừng, vì giờ gia đình nông dân mình đã bắt đầu có sợi dây liên kết với cách mạng 30 thiệt là sang. Bà hai đi đâu cũng khoe thằng rể bắc kỳ mà trong lòng vui lắm thay!
Thời ấy đâu đầu thập niên 80 thì phải, cả làng nghèo xơ như mít lép. Đám cưới cô sáu quả thật là chuyện quan trọng đáng xem cho cả làng. Nhà ông hai trước bàn gia tiên dán hai biểu ngữ màu đỏ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" "Gái chính chuyên chỉ có một chồng". Thiệt là lạ lùng với người làng!?
Thời gian vật đổi sao dời, làng tôi ngày càng bị thuỷ phá nặng nề. Làng vốn nghèo càng nghèo hơn. Đất đai là công cụ sản xuất bị hà bá lấy sạch. Nhà ông hai cũng chẳng nhờ vả chi thằng con rể cách mạng. Ông hai và bà hai lần lượt qua đời mà lòng cứ đao đáo về đám cháu nội đích tôn dỡ người.
Chị Bế chết vì bệnh tim để lại hai đứa con cho nhà chồng chăm sóc. Mợ ba chết sớm vì phiền muộn kéo dài. Thằng Lẹ học hành rất giỏi nhưng ham chơi và buồn nản chuyện gia đình nên bỏ học.
Tết vừa rồi về có ghé thăm cậu ba Thạch. Cậu rất yếu, chỉ ngồi một chỗ. Thằng Lẹ quanh quẩn ở nhà chăm sóc ba nó và lo cơm nước cho mấy anh. Anh Đá rồi cũng nguôi ngoai chuyện chị Nghị, ngày ngày ra ngôi chợ đầu làng làm thuê vác mướn. Tính anh thiệt thà, ra ngoài đó người ta sai vặt  rồi trả cho chút đỉnh công xá. Ngày có khi anh kiếm được cả trăm ngàn, ít đồ ăn người ta cho.
Anh Đá có hiếu lắm, cậu ba  bảo làm có nhiêu đem về đưa hết cho ổng. Sáng chỉ ăn cơm hâm nóng lại rồi đi làm. Trưa nếu ngoài đó người ta cho gì thì không về. Chiều tối chạng vạng anh mới về nhà tắm rửa ăn bữa cơm chiều.
Thằng Lanh suốt ngày lang thang đầu trên xóm dưới đi nhặt chai bao. lội bùn sình để nhặt nhạnh chai nước khoáng trôi sông. Nhặt nhạnh cả ngày nó đến mấy điểm thu mua ve chai bán được chừng 15-20 ngàn đồng ....để đi mua rượu, ít mồi nhắm. Có rượu, có mồi nó mò về mấy cái sạp ngoài chợ ngồi uống rượu một mình, rồi ngủ luôn ngoài đó, không tắm rửa, không về nhà. Thằng Lẹ bảo chỉ khi nào đói quá nó mới mò về nhà để kiếm ăn. Bằng không chẳng bao giờ về nhà. Mỗi lần mình về thăm quê gặp thằng Lanh nó mừng lắm vì xin được tiền mua rượu uống cả tuần!
Cách nay độ một tháng cậu ba rồi cũng qua đời nốt. Thằng Lẹ một mình côi cút cùng đàn anh dỡ người. Nó bảo em cũng thèm kiếm một con vợ, xấu xí cũng được cho đỡ cô quạnh mà có ai thèm đâu anh! Họ nhìn vào dòng dõi khùng nhà em ai cũng ngán và sợ hết trơn. Thôi em ráng sống mà lo cho mấy ông anh. Khổ nỗi, thằng Lẹ sức khoẻ lại kém hơn mấy thằng anh hoang dại mới chết chứ! Người thằng Lẹ mỏng dính như tờ giấy, lại bị ho lao vì trác táng sớm!
Lỡ mà em chết lấy ai chăm sóc đàn anh bệnh tật của mình. Nó bảo xã mỗi tháng cũng có cho đâu được 400 ngàn. Dù gì khoảng tiền này cũng đủ mua gạo xơi trong tháng. Thằng Lanh có ăn gì đâu, uống rượu thay cơm. Thằng Danh như triết gia. Cười đời, ngoác miệng chẳng còn cái răng nào!? Nhớ cái chuyện anh em nhà Lanh Lẹ hút thuốc cũng lỗi bội phần bởi ông nội em. Ông bảo, tụi mày chẳng thằng nào đánh răng, thôi thì hút thuốc cho đỡ thúi mồm!?
-Thiệt là cám ơn an sinh xã hội ở nước ta quả là gấp vạn lần xã hội tư bản. Mình nói thế, thằng Lẹ nó nhìn mình rồi bảo "anh Cu có vẻ cũng điên giống mấy ông anh em rồi đó!" Nói xong nó cười buồn, đưa tay rót ly rượu đối ẩm uống nhạt, cười khang một mình!