Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Làng tôi đâu rồi!?

Hôm nay ngồi buồn bổng nhớ hai câu thơ trong Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu "Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Gẫm cười hai chữ ân tình éo le!". Hai câu thơ gợi nhớ ngày quá khứ ngày xưa khi trở về làng tôi. Ngôi làng nhỏ xíu, trù phú nằm dọc bờ sông Tiền bị tàn phá nặng nề bởi dòng chảy hung hản của con sông mỗi mùa nước nổi tràn về.
Sau 30/75 cả gia đình dắt díu nhau về làng ni sau khi ba đã được tẩy não. Nhà cửa bị tịch thu, bị đuổi việc. Hồi xưa ông già làm hiệu trưởng trường Kỹ Thuật Nông Thôn ở Vĩnh Long. Lúc đó còn nhỏ, chỉ mới mười tuổi. Việc trở về làng nơi chôn nhao cắt rốn của mẹ đối với mình là một chuyện gì to tát và kỳ thú lắm. Không kỳ thú sao được, vì với trí tưởng tượng của thằng nhóc như mình là biết bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp đang chờ đón nó. Nào là tha hồ tắm sông, đi bắn chim, câu cá, đi mò cua bắt ốc,...toàn là tưởng tượng bao nhiêu chuyện để chơi và càng ít nghĩ đến việc đi học chừng nào càng thích chừng đó! Từ một thằng nhỏ thành thị, bước vèo một cái về với thế giới nông thôn, với mình quả là điều hết sức kỳ diệu.
Điều đầu tiên một thằng nhóc như mình cảm nhận được đó là đêm đầu tiên ở thôn quê không có ánh điện. Cả nhà chỉ có mỗi cái đèn dầu Huê Kỳ trứng vịt cháy leo lét. Vì là dân thành phố nên chuyện ăn cơm cũng theo nếp xưa, thông thường bữa tối vào tầm khoảng sau 18 giờ. Cả nhà năm anh em toàn lích nhích. Thằng lớn nhất là mình. Đám em nhỏ nhặng xị đòi ông già mình bật đèn để xem tivi. Ông già mình đành nói dối bọn nhóc là điện bị mất nên không thể xem ti vi được. Mấy đứa nhỏ thấy bóng tối nên càng sợ ma tợn. Mình làm anh thấy tụi nhỏ bảo ma nên cũng cuống cuồng theo.
Cả tháng đầu mỗi khi bóng đêm phủ chụp xuống sau ngày vui chiến thằng, lũ nhóc anh em nhà mình chỉ trùm chăn ngồi túm tụm trên giường chờ đợi bữa cơm tối. Tịnh không một thằng nào can đảm dám mò ra ngoài để đi đái.  Cũng vì cái tính sợ ma này mà thằng em thứ tư của mình dính cái tật đái dầm kéo dài cho tới khi nó 14 tuổi!?
Con người vốn là một sinh vật thích khi khá tốt với sự thay đổi môi trường! Dần dà rồi đám anh em nhà mình cũng bắt đầu hội nhập với đời sống thôn quê. Chúng nó không còn đòi ông già mở điện để xem ti vi, không còn sợ ma như cái hồi mới về. Mình cũng đã can đảm hơn khi dắt mấy thằng em đi đái ban đêm. Sống ở làng quê có cái thú là đái chỗ nào cũng được.
Nhà mình vườn rộng, cây cối um xùm vì bị bỏ hoang mấy chục năm nên đêm về thường nghe tiếng chim cú kêu rùng rợn. Mình nhớ có hồi thằng em thứ tư nhà bị bệnh kéo dài cả tháng. Lúc đó chả có bệnh viện hay thuốc tây gì cả. Tất tần tật nhà mình ai bệnh thì đi trị bệnh mấy thầy lang trong vườn. Thuốc của mấy ông lương y làng tôi chỉ là cây thuốc nam được mấy người làm từ thiện hái về phơi khô chặt nhỏ để làm thuốc. Thằng em bị bệnh ban bạch? bệnh tình thằng nhỏ kéo dài đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Mấy ông thầy thuốc nam tiên lượng thằng nhỏ sẽ chết. Đêm nào tiếng đám cú vọ kêu là bà già khóc dữ lắm.
Người miền tây cho rằng tiếng kêu con cú mèo là điềm gỡ!? Còn nhớ hồi nhỏ đọc mấy tờ báo xuất bản trước khi miền nam lưu vong tờ Thần Chung thì phải, có đăng phóng sự trước khi tử hình cậu Út Trầu-Ngô Đình Cẩn thì đêm hôm trước tử hình có con chim cú mèo đậu trên nóc khám Chí Hoà kêu suốt đêm?
Mỗi lần đám cú mèo kêu ông già ra ngoài vườn lượm đá ném để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Nhờ may mắn có ông thầy Năm Đạt, ông trước đây là thầy giáo làng, ổng có bằng đíp-lôm thời tây cũng hành nghề thuốc nam. Ổng đến gặp ông già mình và nói " thằng nhỏ có lẽ không còn sống được bao lâu. Mọi phương cánh thầy-ba mình cũng đã lo cho nó rồi. Thôi thì phước chủ may thầy. Tôi chỉ còn phương thức cuối cùng may ra cứu được thằng bé" Nói xong ổng kêu ông già bế thằng bé ra ngoài để ổng lể. Lể trong đông y thời đó là dùng mảnh sành sạch cắt lên da đứa em mình. Cắt chỗ nào ổng dùng tay nặn máu chỗ đó. Ổng bảo là máu thằng nhỏ có màu đen? Lể đau đớn vậy mà thằng em mình chả hề khóc tiếng nào, đơn giản vì thằng nhỏ quá yếu để mà có phản ứng lại với đau đớn.
Sau khi lể xong, Cậu Năm Đạt-mình kêu ổng bằng cậu về phòng mạch bốc cho thằng nhỏ một thang thuốc. Ổng nói với ông già sau ba thang mà thằng nhỏ không ngồi dậy ăn cháo thì tôi cũng đành bó tay! Ơn trời sau ba thang thuốc của ổng thằng em mình hồi phục và khỏi bệnh hẳn. Thằng em khỏi bệnh bà già đến quỳ lại cậu năm rồi oà khóc nức nở!
Ông thầy năm Đạt người ốm như que củi, chỉ ăn chay trường. Trong nhà ổng cực kỳ sạch sẽ, ổng sống thanh tịnh. Cứu người nhưng ai đưa tiền ổng đều không nhận và cực kỳ khó tính. Ai có bệnh đến mà có thái độ không phải là đuổi về không điều trị. Thường người bệnh đến điều trị chỉ cần trả công cho ông Năm bằng cách hái mấy cây thuốc mọc hoang về rửa sạch, bỏ bao đem đến để ổng làm thuốc. Mỗi tuần ổng đóng cửa một lần, dắt chiếc xe đạp đòn dong đi kiếm thuốc khắp các vườn trong làng. Vườn nhà mình rộng lại còn khá hoang hoá nên hầu như tuần nào cũng thấy cậu năm lúi húi đào xới để tìm thuốc. Bà già mình thi thoảng có đồ ăn đem biếu nhưng ổng không nhận, phải lén lút đưa cho mợ năm. Ổng mà biết được mợ năm nhận đồ biếu của ai là ổng đánh dữ lắm.
Cậu năm có ba người con, nhà không có ruộng vườn chi cả mấy người con của cậu năm cũng làm thuê, làm mướn trong làng, mợ năm cũng làm thuê. Ba mình hay kêu mợ năm làm cỏ vườn. Bà có tâm rất sạch, nghèo khó vậy mà không bao giờ sơ múi bất cứ cái gì của ai. Làm vườn nhưng hễ thấy trái cây trong vườn rụng, bà đều lượm rồi đem vô cho má mình.
Mỗi khi làm vườn bà năm đều bới cơm đem theo. Buổi trưa của bà thường thấy là muối mè, và ít rau dại hái trong vườn. Khi nào ngon lắm có cái trứng luộc hoặc miếng đậu hủ kho nhỏ xíu!
Anh con lớn của mợ năm tên là Bé Ba, anh này trước đây đi lính chế độ cũ, bị thương nên sau khi về làng thay đổi tính tình suốt ngày nhậu như hủ chìm. Anh năm con út đi bộ đội ở Campuchia bốn năm mới về làng dắt theo cô vợ người Campuchia. Về được năm ngày trở lại Cam rồi biệt tích luôn từ đó.
Chị Bé Tư yêu một người làng khác dắt về nhà giới thiệu cậu Năm không đồng ý. Nghe nói chị khóc hết nước mắt năn nỉ mà ông già cũng không thay đổi quyết định. Bỏ nhà theo trai và biệt tích luôn từ dạo đó. Người trong làng không ai còn thấy chị trở về vì nghe nói cậu Năm đã từ chị và thề độc "tao có chết mày cũng đừng có trở về mà chịu tang". Tội nghiệp mợ năm phận đàn bà cam chịu, bà ngày ngày lầm lũi như chiếc bóng. Ngày ngày đi làm thuê mua gạo để nuôi ông thầy thuốc thanh bần!
Cậu Năm Đạt mất không thấy bất kỳ đứa con nào về chịu tang ông ngoài anh Bé Ba ngồi cạnh quan tài say ngất ngưỡng. Cậu năm mất bà Năm cũng bỏ làng đi ra chợ Sa Đéc ăn mày, bà già yếu quá không ai còn thuê. Ông già mình bảo mợ năm lang thang đi ăn xin thấy đau lòng làm sao!
Bà năm chết vào một ngày mưa khóc lóc tháng bảy. Bà chết không một giọt nước mắt khóc thương nào nhỏ xuống cho bà. Ngày bà chết nghe đâu hội từ thiện cho cái hòm bằng ván gòn, người ta liệm bà trong áo quan rồi đem thiêu. Anh bé ba giờ không còn uống rượu nữa mà hành nghề chạy xe ôm. Ông già thi thoảng có gặp ngoài chợ Sa Đéc. Mỗi lần gặp ảnh hỏi thăm mình "thằng Cu nhà chú giờ làm gì sao không giúp gì được cho chú hay sao mà chú già rồi còn phải đạp xe đạp đi chợ cực khổ vậy chú!?" hic
Nước mình sắp được lên thiên đường tới đít rồi, con người ai cũng có quyền chọn cho mình cảnh khổ để hưởng sái nghĩ thiệt là nhân văn và độc đáo lạ thường! Ai chưa một lần lâm vào cảnh khổ cũng nên thử tham gia vào đám người cùng khổ một lần để nếm trải cay đắng mùi đời cho biết, kẻo sau này có muốn khổ, muốn chết chẳng còn dịp nữa, bởi rồi tất cả chúng ta đều sống mãi như tiên ông Bành tổ đó thôi!

Không có nhận xét nào: