Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Đời hát rong.

Xóm mình cũng thuộc xóm vùng ven nghèo kiết xác ở đất Sài Gòn này. Trong xóm có gã Pê đê cũng nghèo kiết xác. Sáng nào mình cũng thấy gã đi bộ ra ngoài đường để ăn sáng. 
Gã vốn đen đũi nhưng thích làm phụ nữ nên lúc nào tóc cũng để dài. Ngực thì phẳng lì như phi trường, phải dùng cái nịt vú hàng tàu để độn lên cho có vẽ nữ tính. Chân to bè, các móng sơn xanh đỏ loè loẹt, mang đôi dép lào loẹt xoẹt. Mặc áo thun hở cổ để khoe tí khe cạn cợt "đàn bà" đáng thương!
Nghề của gã là rài đây mai đó các đám ma, đám cưới nghèo vùng quê để biểu diễn đàn ca, hát xướng nhảy múa mua vui cho các thực khách trai làng sau khi đã nốc rượu say khướt.
Gã bảo ngực Pê đê như em vào mấy chổ này hát ưa bị chửi vì mấy thằng nhậu say mò mẫm hổng thấy vù mớm đàn bà. Mỗi lần đi hát mấy đám này thù lao cũng chẳng là bao.
Gã nói phải chi có tiền, em đi thẩm mỹ viện độn vú cho thiệt to. Pê đê càng hấp dẫn ngoại hình chừng nào đi hát mới có chút đỉnh tiền boa. Bằng không có đêm hát về hai ba giờ sáng không có cả tiền đổ xăng, bụng rỗng chỉ toàn là rượu đế.
Hồi hôm trời mưa to, tầm lúc 20 giờ, hắn ghé tiệm tạp hoá mua áo mưa phương tiện 5 ngàn. Hỏi gã đêm nay em đi hát ở đâu. Gã đáp: Đêm nay em đi hát đám ma ở Bùi Môn Củ Chi.
Mưa to quá thôi ở nhà một đêm với lại xa quá, đi đường nguy hiểm lắm. Gã bảo, mấy đêm rồi có đám nào đâu. Hôm rày không có cả tiền ăn sáng, mua son phần để trang điểm. Nghe thằng bạn kêu đêm nay đi hát, mùng quýnh, phải mượn con xe tàu để đi. Kiếm đồng tiền bây giờ cực khổ lắm.
Khoác lên mình chiếc áo mưa phương tiện, Nàng ngồi lên con xe tàu không quên vén vạt áo dài màu vàng chanh xuống đít ngồi,hì hục đạp máy xe. Chiếc xe gầm lên mất hút vào đêm tối, để lại vệt khói trắng dầy đặc trong màn mưa bụi mờ. 

Nhìn bóng nàng xa dần mà xót xa thân phận con người!

Mưa Sài Gòn.


Quán cóc của chị chiều nào cũng đỏ lửa khắc khoải niềm hy vọng mua may bán đắc. Ngày ngày chị hì hụi đẩy chiếc xe canh bún trên con đường nhày nhụa, lổm chổm ổ gà ổ trâu. 
Mỗi mình chị chiếc xe với thùng nước lèo kẽo kẹt, nặng nhọc chậm chậm một cây số đường mưa-người đàn ba hai con và gã chồng đốn mạt chỉ biết bản thân mình hơn là cái gia đình nhỏ nghèo khó của y. 
Lặn lội một mình ngoài đường phố mưu sinh. Ngày nắng hay ngày mưa, cạnh dốc chân cầu Bến Phân, miếng bạt che mưa, chiếc đèn compact nhỏ xíu, câu nhờ từ nhà dân gần đó. Vài cái ghế con con dành cho thực khách lót dạ đường khuya.
Chị bảo mỗi đêm nếu trời không mưa thì bán được chừng 200 ngàn. Đêm nào trời mưa thì ít hơn. Còn nếu mưa lớn quá thì hẳn là chị ngồi bó gối thu lu chờ khách cho đến tận khuya. Có đêm chị đẩy xe về qua ngõ nhà mình quá 12 giờ!
Sài Gòn hôm nay mưa kéo dài khủng khiếp. Mưa từ tầm 5 giờ cho đến tận giờ này, mưa như trút nước, đường phố biến thành dòng thác tuôn chảy ào ạt. Quán cóc của chị đêm nay không một bóng người. Nồi nước lèo vẫn bốc khói nghi ngút. Miếng bạt quá nhỏ để có thể che chắn cho khách lỡ đường lót dạ đêm khuya. Gặp chỉ đẩy xe về, vừa đi vừa khóc. "Chiều giờ không bán được tô nào chú ơi! Thùng nước lèo ế đêm nay coi như đổ bỏ. Vốn liếng chẳng là bao mà Sài Gòn cứ mưa mãi thế này chắc mấy mẹ con chết đói quá chú à!"
Bóng chị đổ dài trên con đường mưa vàng ệt như bóng thời gian tận cùng khổ đau của xã hội nhầy nhụa bóng thiên đường!

Thằng Què.

"Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu đi. Bậu đi bậu lấy ông câu. Ông câu cá bống để dành bậu ăn. Bậu ăn không hết để dành, để trên áng sách, để đầu áng thơ!". Văng vẳng nhà bên tiếng ru hời câu ca dao nam bộ thuở nào của người mẹ trẻ trong căn nhà lá rách nát tả tơi. Nàng ngồi bất động. Mầm sống đang yên lành ngon giấc. Thi thoảng thằng nhóc chép miệng, nhoẻn cười sau cử bú no nê từ bầu sữa căng tròn của mẹ nó. Hàng xóm quê mình bảo ba nó bận đi tù vì tội giao cấu với trẻ vị thanh niên-má nó. Nên bỏ má nó từ trước khi thằng nhóc chào đời trong bệnh viện. Rồi thằng nhóc sẽ lớn lên. Hẳn nó sẽ cùng với má nó, cùng với cái nghèo muôn kiếp xứ mình lê la cùng năm tháng. Không biết rồi người mẹ son sắc ấy có đi bước nữa để tìm kiếm nửa còn lại mà mình ảo tưởng. Nửa còn lại san sẻ gánh nặng cuộc đời mà em mong ước!? Người mẹ chỉ vừa tròn 17. Cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu khó khăn còn rất nhiều phía trước, cùng những cạm bẫy chực chờ và trách nhiệm cho thằng nhóc yên lành khôn lớn!?
Thằng Què, cả ngày ngồi yên lặng bên ngạch cửa nhà ngóng ra đường. Thi thoảng nó nhìn xuống đôi chân teo tóp như hai que củi nhỏ bất động, rồi ngước mắt nhìn bầu trời mây xám đùng đục những ngày mưa mù. Nó yên lặng ngồi chờ đợi ba nó gửi tiền về cho ông bà nội nghèo khó. Nó chờ đợi ba nó về cùng với đứa em lành lặn mà đã nhiều năm nó không gặp. Nó cần tình thương của ba nó hơn là suốt ngày bất động trong ngục tù của ngôi nhà. Nó hiểu nó mồ côi trong chính ngôi nhà mà ông bà nội nghèo khó đã phải buộc lòng cưu mang nó. Trong cái nhà rách bươm này ai cũng muốn nó chết đi. Sự sống mệt nhoài và tật nguyền của nó hẳn là gánh nặng nợ đời hơn là một cái gì khả dĩ nó sẽ đền đáp khi khôn lớn về sau!?
Ông nội nó là gã đàn ông gầy guộc và đen đúa. Nhìn ông nội nó trong làn bụi mờ ở họng thải trấu nhà máy xay lúa, người ta có cảm giác như gã là cây tràm cháy đen gầy guộc đang còn nhả khói.
Tuổi của ông nội nó chỉ áng chừng năm mươi. Nhìn dáng của người đàn ông nghèo hèn, bước đi xiêu vẹo,nhọc nhằn mưu sinh mới thấy con người bất lực và khốn nạn ra sao để có thể tự nuôi sống bản thân mình cho thật đàng hoàng và tử tế, khi vốn sinh ra trong truyền thống nghèo hèn. Cho dẫu cái xã hội mà ông ấy thụ hưởng vốn ưu việt vạn lần!!!
Nghèo đói và bệnh tật luôn là cặp bài trùng. Do làm trong môi trường nhiễm bụi silic-nhà máy xay xát lúa, ông nội nó bị nhiễm bệnh bụi phổi khá nghiêm trọng. Đau đớn và sợ nhất là mỗi khi nghe ông nội thằng Què ho. Mỗi lần ho, tiếng ho đùng đục phát ra từ cái cổ đầy đàm nhớt đặc quẹo, kéo dài kỳ lạ. Khi ho, ổng ngồi co quắp. Dường như tất cả các cơ trong tấm thân thần chết của ông được vận dụng để tiếp sức cùng với cơn ho tàn nhẫn.
Công việc hàng ngày của ông nội nó là lấy chiếc ghe cùng với bà nội nó đến các nhà máy xay xát trong vùng để thu mua mớ bã trấu vụn lẫn cám và tấm về sàng sẩy lọc ra chút tấm, cám để bán cho mấy nhà nông nghèo khó trong vùng nuôi heo, gà vịt,...cải thiện thu nhập ngoài chuyện đồng áng, làm thuê quanh quẩn trong vùng!
Chiều về ghe cặp bến. Ông nội nó khó nhọc vác từng bao trấu lên bờ để bà nội bắt đầu công việc sàng sẩy. Thằng Què quá ốm yếu nên chả giúp gì được, thành ra lại là cái gai trong con mắt bà nội hồi xuân đĩ thoả và ông nội bắng nhắng vì nghèo khó và bệnh tật. 
Mỗi ghe trấu đầy khoảng độ hai chục bao trấu to. Cứ vác xong một bao ông nội nó phải ngồi nghỉ 5-10 phút để thở và...ho! Mỗi lần nhìn cái xác quắt queo ho đứ đừ. Bà nội nó chỉ nhìn vô cảm và thở dài ngao ngán. Ả thi thoảng liếc vào màn hình chiếc điện thoại đầy tin nhắn sặc mùi tình dục của gã người tình nào đó!? Mặc xác lão đang hục hặc ho, ả chỉ mãi chăm chú nhắn tin cho người tình!
Bà nội nó kém ông nội nó vài tuổi. Cặp vú to đùng, đầy đặn ẩn đằng sau chiếc áo bà ba kín cổ. Dáng người tròn lẳng lơ, phốp pháp. Cái tuổi hồi xuân đàn bà cạnh gã chồng gầy đét hẳn chả còn chút hứng thú dục tình. Tìm thú vui nhục dục âu cũng là bản năng sống tự do duy nhất mà con người còn có cơ may sở hữu ở xã hội điên khùng này!
Quần quật cả ngày, thu nhập của ông bà nội nó chỉ độ 100 ngàn. Tất tần tật khoản thu nhập nghèo khó đó cộng với sàng sẩy mớ gạo vỡ hạt to để nấu cơm. Thằng Què quanh năm suốt tháng chỉ ăn thứ cơm đó. Nhà thằng Què cạnh cái quán tạp hoá có gã chủ kiệm lời, bủn xỉn. Sáng sáng người ta thấy thằng Què ngồi nhìn sang cái quán. Trong ánh nhìn phiền muộn vì mồ côi, vì thiếu tình thương và cả vì thèm khát mớ bánh treo lủng lẳng trêu ngươi thằng Què.
Nhìn chán tiệm tạp hoá và mớ bánh kẹo thèm khát. Thằng Què ngó ra đường nhìn lũ trẻ hàng xóm vui đùa ngoài hẻm, nhìn lũ trẻ đến trường. Nó cũng thèm được đến trường, thèm được vui chơi như chúng bạn cùng lứa. Chẳng đứa nào muốn kết bạn với nó. Cô đơn ngày nối tiếp ngày với nó như là thứ định mệnh tàn nhẫn gắn liền với số phận Thằng Què.
Dạo gần đây mấy nhà máy xay lúa trong vùng lắp đặt thiết bị xay ngày càng hiện đại hơn nên cái công việc mót tấm cám của hai ông bà nội nó ngày càng què quặt hơn vì  có rất ít tấm còn sót lại. Nhiều khi cả ngày sàng sẩy bụi bặm mà cũng chỉ kiếm dăm chục ngàn. Ít việc, bà nội nó thường xuyên vằng nhà hơn. Ông nội nó phần túng thiếu, phần bất lực với bà vợ hồi xuân nên thằng Què trở thành đề tài chính cho sự chì chiết và đánh đập của ông nội nó và cả bà nội nó sau khi đĩ thoả trở về nghe tiếng bóng gió của lão chồng bệnh hoạn. Ba mình bảo ngày nào cũng nghe tiếng thằng Què khóc tức tưởi vì bị đánh đập. Thoạt đầu chỉ nghe thấy tiếng khóc nức nở và tủi hờn.
Con giun xéo mãi cũng quằng. Hôm rồi về thăm quê mình nghe tiếng thằng Què vừa khóc vừa chửi lại ông bà nội nó. Vừa bất ngờ, vừa xót xa cho cái tuổi còn bé xíu. Chỉ mới khoảng 7 tuổi, thằng Què đã biết sử dụng lại chính ngay cái ngôn ngữ thù hằn mà ông bà nội đã phang cho nó để đáp trả. Càng đánh nó càng chủi tợn, bởi nó không thể bỏ chạy mà chỉ ngồi một chỗ chịu đòn roi. Ông bà nội bực mình vì đã nhiều năm ba nó không còn gửi tiền về nuôi thằng Què bất hạnh. Nhìn thằng Què lê lết mà chẳng đỡ đần gì lại còn ăn hại. Khi không lại phải cưu mang của nợ nên mọi bực dọc đều trút lên cả thằng Què đáng thương! 
- ĐM mày là thứ ăn hại, sống chỉ chật đất. ĐM tiền của đâu nuôi cái thứ báo cô như mày!? Tiếng bà nội nó ong ỏng sủa. Thằng què đáp lại:
- Mai mốt này ba tao về, ba tao có nhiều tiền, ba tao sẽ đem tao theo. Tao chả thèm ở chỗ này nữa.
-Mày ở đó mà hy vọng cái thằng cha chết đường, chết chợ của mày. Nó bỏ mày như bỏ con chó ghẻ. Rồi thì tiếng thằng Què khóc vì tủi hờn. Trong lòng nó dẫu vẫn còn chút hy vọng rằng ngày nào đó ba nó sẽ về, sẽ mang nó theo cùng. Rồi thì nó sẽ được yêu thương, được đi học, được ăn cái kẹo nhà hàng xóm bủn xỉn kia bởi vì ba nó có thật nhiều tiền mua cho nó. Dường như cứ sau mỗi lần roi vọt, tiếng khóc vì tuyệt vọng ngày càng dài hơn. Có lẽ nó nghĩ "Không biết liệu ba nó có còn về đón nó không?"
Cách nhà thằng Què ba căn, ba năm trước đây cũng có thằng què cùng hoàn cảnh vì sốt bại liệt như nó nhảy sông tự vẫn. Ông già mình bảo thằng què con bà tư Chè chết vì bị bà tư chửi suốt ngày nên thằng nhỏ uất ức tự vẫn. Nửa đêm thằng què ra con sông trước nhà nhảy xuống. Sáng hôm sau người ta thấy xác thằng nhỏ tấp vào chân cầu. Bà tư Chè nhìn tướng sát phu hại tử, bẳng nhẳng vì nghèo khó. Suốt ngày lê la khắp các khu vườn bỏ hoang trong làng mình để hái rau, nhặt củi, hái trái cây. Nhà bà còn đứa con gái tên cô Xôi, không chồng người quắc như cành củi khô. Trước đây người ta còn thuê mướn làm gạch, giờ chả ai thuê mướn gì cả vì Xôi không còn sức khoẻ. Nghe đâu xã có trợ cấp cho gia đình bà tư Chè mỗi tháng 200 ngàn tiền minh tệ. 
Nhìn hoàn cảnh thằng Què mà nhớ chuyện thằng què bất hạnh trước đây, sao lo quá! Bước đường cùng tuyệt vọng có khi nào thằng Què rồi cũng làm cái chuyện dại dốt như thằng què năm xưa con bà tư Chè đã chọn!?
Một cánh tay nào vươn ra níu đời nó. Một cơ may nào cho thằng Què qua kiếp người bớt nhọc nhằn. Một ngày mai nào thằng Què thấy sự sống mới đẹp đẽ làm sao? Hay là cứ ngu muội cùng kiên định bóng thiên đường nhầy nhụa cuối cuộc đời!? Nơi lần lượt kẻ trước người sau về trong cõi chết khôn cùng! Nơi thời gian dừng lại, khổ đau, nghèo giàu, lành lặn hay tật bệnh,...chả còn ý nghĩa gì nữa, bởi tất cả chúng ta đều bình đẳng!
Què ơi! tụi mình không thể trông mong gì người lớn xây dựng một xã hội công bình bác ái cho mọi người. Nếu có chắc hết thế kỷ này? Thay vì vậy, tụi mình chờ đợi cái chết? Tao cũng biết, kiếp làm người của mày có phần khốn nạn hơn tao nhưng liệu tao không khổ đau kém mày?
Tiếng ru hời nào sẽ theo em đi đến cuối con đường!? Nơi tuổi thơ ngắn ngủi trôi qua trong yên lành của ngày xưa! 
Sài Gòn nửa đêm về sáng.