Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Dì Tư Xom.

Hồi còn sống ở cái làng An Hiệp bé tẹo, nghèo khó. Đất đai là công cụ sản xuất của Đảng giao cho dân bị Hà Bá ngày đêm xà xẻo! Dân tình nhộn nhạo mai dỡ nhà, mốt dựng nhà. Cứ điệp khúc này mà hát mãi nên nhà ngày càng bé tẹo và tạm bợ hơn! Nhà mình chẳng khá gì hơn là cái chòi lá của trẻ con thuở chơi nhà chòi.
Đối diện với căn hộ rách bươm nhà mình phía bên kia sông là nhà dì tư Xom. Dì tư dáng người nhỏ thó, miệng rộng, ăn nói sang sảng như đàn ông. Miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ngán nhất là mỗi khi bả qua nhà chơi trong lúc miệng đang nhai trầu. Cứ bạ đâu phun đó. Vì là khách đến chơi nhà nên không cách chi nói được với dì. Nhà thì nền đất chỗ nào di tư phun trầu nó cứ nhão ra. Đã thế khi nhai trầu nước dãi màu đỏ ứa ra hai mép, dì tư dùng ngón trỏ và ngón cái quẹt mồm rồi quệt lên thành ghế hay vách nhà thiệt là ớn hết sức!
Dì tư có tật là ghé nhà mình có khi ngồi nói chuyện đến khuya. Dì nói bất kể chuyện chi. Nói về gia đình dì, tố khổ cái lão chồng dâm loàn đã bỏ dì theo người đàn bà khác. Nói về đám con dì, con dâu dì,...Nhiều khi nói những tình huống khiến dì cười đái trong quần luôn! Oải nhứt là khi đang học bài gặp dì tư qua chơi nhà, y như rằng sáng hôm sau tiết kiểm tra miệng ăn phải con ngỗng là chuyện thường tình. Hồi nhỏ học hành dỡ hơi. Bài chi thuộc lòng phải gạo đi gạo lại cả tiếng mới may ra nhớ lõm bõm!
Nhà di tư Xom không có đất ruộng trồng lúa. Dì bảo, tao trước kia nhà cũng có cả chục công ruộng trồng lúa một vụ rất trúng. Nhưng cái thằng chồng cặt ngựa câu kết với con đĩ lồn lừa đã lừa bán cho người khác rồi!?
Thu nhập chính của Dì tư Xom là cách nhật chèo xuồng sang phía bên kia bờ sông Tiền, thuộc huyện Cao Lãnh để hái rau muống mọc dại về bó thành từng lọn nhỏ rồi đem ra chợ Sa Đéc bán lấy tiền đổi gạo! Hồi đó người dân quê tôi gọi vùng đất màu mỡ phía bên kia sông Tiền là bên cồn. Cồn tức là vùng bãi bồi phù sa. Nơi đó dân chúng thưa thớt, đất còn hoang hoá. Bãi bồi có nhiều tôm cá, rau cỏ mọc xanh um, cực kỳ tươi tốt. Đặc biệt rau muống đỏ, cọng nào cọng nấy mập ú cỡ ngón tay cái, Rau trai cọng to bằng ngón tay trỏ, hái về luộc, ăn mềm và ngọt. Ăn cơm bằng rau này luộc chắm mắm kho quẹt là số dzách!
Mắm kho quẹt của người nhà quê miền tây khác một trời với món kho quẹt chấm rau tập tàng trong mấy nhà hàng quán nhậu đất Sài Gòn. Kho quẹt của người miền tây là nước mắm bỏ vào cái ơ đất nung đặt lên bếp củi và đun chừng nào cạn còn lại hổn họp sền sệt như muối. Món kho quẹt tuỳ chỗ giàu nghèo mà có thêm chút đỉnh sự khác biệt, khi thì thêm vào ít tép mỡ, mấy trái ớt hiểm xanh. Kho quẹt chấm rau luộc, rau sống chỉ tổ vở nồi cơm nhà nghèo. Thời đó gạo vốn là thứ chính trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài trời mưa lâm thâm ăn cơm với nước mắm kho quẹt là sướng nhứt. Ăn xong một đập hai xoa leo lên giường trùm chăn ngủ một mạch tới sáng còn chi bằng!
Phần lớn người làng tôi đều sang cồn để kiếm sống. Nào là đánh cá, chất chà cá he, chà tôm, cào hến, chặt ngó bần về làm củi đốt, hái rau muống, làm thuê cho mấy chủ đất giàu có bên kia,...
Dì tư làm việc cần mẫn hàng ngày. Trong đời chưa thấy người đàn bà nào cực khổ như dì. Ngày nắng hay ngày mưa gì bà cũng đều đặn làm cái công việc cực khổ đó mình ên. Sáng tầm 3 giờ sáng, dì tư dậy nấu cơm gói vào lá chuối với ít con khô, múc một ấm nước lóng phèn đem xuống xuồng, rồi bơi một mình sang kia sông để hái rau muống. Công việc bơi xuồng ghe nhỏ qua sông Tiền trong mùa mưa bão thường gặp nhiều rủi ro chết người. Sợ nhất là lúc giông gió thời điểm vượt sông. Mặt sông đang yên lặng bỗng sóng nổi cồn cao 2-3 mét, quật từng cơn thì xuồng ghe nhỏ, chở khẳm là bị nhấn chìm như chơi. Làng tôi chứng kiến nhiều vụ lật xuồng rất thương tâm!
Hồi đó có con bé tên Sáu Sậu cũng cỡ tuổi mình có mang đâu chừng sáu tháng đi cấy bên cồn về xuồng bị giông lốc nhấn chìm. Trên xuồng có 6 người. Ba người chết trong đó có Sáu Sậu và đứa con hài nhi trong bụng! Xác Sáu Sậu trôi tuốt xuống bến phà Mỹ Thuận phải bốn ngày sau người nhà mới tìm thấy đã trương phình! Sáu Sậu chết lúc mới 16 tuổi cùng với đứa con không biết ai là ba nó!? Sáu Sậu mồ côi cha mẹ, ở với ông ngoại có thời đi lính cho Tây tận Algieri!
Thường dì tư đi từ sáng sớm đên tối mịt mới trở về nhà. Ngoài đống rau muống ngập xuồng còn có mấy trái bần chín cây, bắp chuối xiêm, xoài chín,...dì bảo là lượm trong các bờ đê bao!? Về nhà bà cột cái xuồng vào bến rồi một mình lúi húi vác lên bờ để lặt là già, lá sâu xia, cắt bỏ rể mọc từ nách lá, bó thành từng lọn cỡ cổ tay người lớn bằng cọng lá chuối khô xé nhỏ. Thường dì chỉ làm việc một mình. Có nhiều đêm dì làm cho tới gần sáng mới xong. Sau khi đã bó xong, dì lại vác xuống xuồng rồi bắt đầu chèo ghe ra chợ Sa Đéc để bán.
Hồi đó từ làng ra đến chợ Sa Đéc đường sông khoảng chừng 4-5 cây số, chỉ có một con đường ngắn nhất là đi cặp dòng sông Tiền. Ngán nhất là chèo ghe đi vào mùa nước nổi. Vào mùa này, nước phù sa đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về rất mạnh. Suốt mùa nước nổi dòng chảy chỉ một chiều duy nhất. Dòng chảy mạnh đến nỗi nhiều khi ghe trang bị máy đuôi tôm cũng phải ì ạch vượt qua những chổ xoáy hiểm trở. Đó là chưa kể đến hiện tượng đất lỡ hết sức nguy hiểm. Nếu ai xui xẻo đang đi gặp đất lỡ thì xuồng ghe bị hút vào và nhấn chìm tợ như gặp cơn sóng thần nhỏ. Hồi trước nhà mình cũng từng bị mất chiếc ghe vì đất lở. Đất lở ngoài vàm sẽ tạo hiện tượng nước trong các con lạch nhỏ bị hút ra, kéo theo ghe neo đậu trong lạch cũng bị hút theo. Nếu không phát hiện kịp ghe trôi ra sông lớn, mất luôn!
Gặp chổ vịnh, nước chảy yếu dì tư chèo, gặp chổ xoáy nước chảy mạnh không thể chèo được dì tư cặp bờ, leo lên ruộng dùng tay kéo ghe vượt qua! Nhẫn nại, chịu thương chịu khó một mình dì cũng tới chợ. Nhiều hôm nước ngoài ruộng ngập quá lưng quần, dì phải vừa bơi vừa kéo ghe rau muống khẳm đừ! Bán xong bơi xuồng ra sông Tiền thả trôi dòng nước đưa dì về xóm cũ. Nhiều hôm dì tư mệt mỏi ngủ thiếp đi, thuyền trôi tới phà Mỹ Thuận! Cách xa nhà dì cả chục cây số. Đời đã khổ lại càng khổ hơn!
Dì tư có bốn người con, ba trai một gái. Đứa nào dì cũng cực khổ lo cho ăn học. Anh con lớn của dì tư học dang dỡ đại học văn khoa Sài Gòn, về lấy vợ sớm. Gặp cô vợ quá quắt nên dì tư chửi suốt ngày. Đứa thứ hai là gái học trên Sài Gòn rồi lấy anh chồng hải quan gốc bắc kỳ. Anh thứ ba ra làm công thương nghiệp ở tận Hồng Ngự. Còn ở với dì là thằng Út, suốt ngày đi chơi bời lêu lỏng, bỏ học sớm, chả thấy phụ dì tư làm gì hết. Phần là dì tư có tật chửi con cái. Mỗi lần bả chửi mấy tiếng đồng hồ. Chửi con đã, rồi lôi chồng ra chửi. Nhiều đêm dì tư vừa lặt rau muống vừa chửi chồng con ra rả cả đêm. Có khi chửi đã dì ngủ luôn sáng bảnh mắt, quên cả lặt rau. Chuyến chợ đó coi như dành lại cho ngày hôm sau.
Dì tư có tật hay chửi hàng xóm vì chuyện không đâu. Chuyện tàu lá dừa nhà dì rụng xuống nhà bên bị người ta lấy mất làm lá nhúm lửa dì cũng chửi. Về nhà mất cái này cái kia dì nghi ngờ ai là cứ chõ mỏ sang nhà đó mà chửi. Ai nhột lên tiếng chửi lại. Thì ô hô, một trận chiến ngôn ngữ sử dụng linh vật được tung ra!
Dì chửi, nếu không ai phản ứng gì thì cuộc chửi kéo dài chừng tiếng đồng hồ. Chửi lại thì dì chửi tiếp, chửi khi nào khan tiếng thì thôi.
Dì tư không biết chữ nhưng được cái là thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ nam bộ. Đêm miền quê yên ắng, một mình dì tư bên cái đèn trứng vịt, những đêm thanh bình không chửi chồng con, hàng xóm thì dì hát đối một mình. Có khi thì dì đọc thơ lục bát của đức Huỳnh giáo chủ. Ba của dì tư nghe nói là tín dồ của phật giáo Hoà Hảo nên nhờ vậy mà dì thuộc thơ của ổng rất nhiều!
Làm lụng cực khổ cả đời như thế mà dì tư sống thọ phết, bà chết nghe đâu cũng gần chín mươi tuổi mặc dù có thời kỳ dì mắc bệnh lao vì lao lực quá sức!
Cuộc đời dì quả thật ứng với câu nói bất hủ " Con người sinh ra chỉ để đau khổ rồi chết!". Dì sống với cả đời cực khổ, chồng thì bỏ, con cái vì ớn cái tánh hay chửi của dì nên chẳng dám đem dì về phụng dưỡng. Cuối đời có rỗi rãnh chút đỉnh...nhờ bệnh tật và cũng chẳng còn sức khoẻ để làm!

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Làng tôi đâu rồi!?

Hôm nay ngồi buồn bổng nhớ hai câu thơ trong Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu "Trước đèn xem chuyện Tây Minh. Gẫm cười hai chữ ân tình éo le!". Hai câu thơ gợi nhớ ngày quá khứ ngày xưa khi trở về làng tôi. Ngôi làng nhỏ xíu, trù phú nằm dọc bờ sông Tiền bị tàn phá nặng nề bởi dòng chảy hung hản của con sông mỗi mùa nước nổi tràn về.
Sau 30/75 cả gia đình dắt díu nhau về làng ni sau khi ba đã được tẩy não. Nhà cửa bị tịch thu, bị đuổi việc. Hồi xưa ông già làm hiệu trưởng trường Kỹ Thuật Nông Thôn ở Vĩnh Long. Lúc đó còn nhỏ, chỉ mới mười tuổi. Việc trở về làng nơi chôn nhao cắt rốn của mẹ đối với mình là một chuyện gì to tát và kỳ thú lắm. Không kỳ thú sao được, vì với trí tưởng tượng của thằng nhóc như mình là biết bao nhiêu viễn cảnh tươi đẹp đang chờ đón nó. Nào là tha hồ tắm sông, đi bắn chim, câu cá, đi mò cua bắt ốc,...toàn là tưởng tượng bao nhiêu chuyện để chơi và càng ít nghĩ đến việc đi học chừng nào càng thích chừng đó! Từ một thằng nhỏ thành thị, bước vèo một cái về với thế giới nông thôn, với mình quả là điều hết sức kỳ diệu.
Điều đầu tiên một thằng nhóc như mình cảm nhận được đó là đêm đầu tiên ở thôn quê không có ánh điện. Cả nhà chỉ có mỗi cái đèn dầu Huê Kỳ trứng vịt cháy leo lét. Vì là dân thành phố nên chuyện ăn cơm cũng theo nếp xưa, thông thường bữa tối vào tầm khoảng sau 18 giờ. Cả nhà năm anh em toàn lích nhích. Thằng lớn nhất là mình. Đám em nhỏ nhặng xị đòi ông già mình bật đèn để xem tivi. Ông già mình đành nói dối bọn nhóc là điện bị mất nên không thể xem ti vi được. Mấy đứa nhỏ thấy bóng tối nên càng sợ ma tợn. Mình làm anh thấy tụi nhỏ bảo ma nên cũng cuống cuồng theo.
Cả tháng đầu mỗi khi bóng đêm phủ chụp xuống sau ngày vui chiến thằng, lũ nhóc anh em nhà mình chỉ trùm chăn ngồi túm tụm trên giường chờ đợi bữa cơm tối. Tịnh không một thằng nào can đảm dám mò ra ngoài để đi đái.  Cũng vì cái tính sợ ma này mà thằng em thứ tư của mình dính cái tật đái dầm kéo dài cho tới khi nó 14 tuổi!?
Con người vốn là một sinh vật thích khi khá tốt với sự thay đổi môi trường! Dần dà rồi đám anh em nhà mình cũng bắt đầu hội nhập với đời sống thôn quê. Chúng nó không còn đòi ông già mở điện để xem ti vi, không còn sợ ma như cái hồi mới về. Mình cũng đã can đảm hơn khi dắt mấy thằng em đi đái ban đêm. Sống ở làng quê có cái thú là đái chỗ nào cũng được.
Nhà mình vườn rộng, cây cối um xùm vì bị bỏ hoang mấy chục năm nên đêm về thường nghe tiếng chim cú kêu rùng rợn. Mình nhớ có hồi thằng em thứ tư nhà bị bệnh kéo dài cả tháng. Lúc đó chả có bệnh viện hay thuốc tây gì cả. Tất tần tật nhà mình ai bệnh thì đi trị bệnh mấy thầy lang trong vườn. Thuốc của mấy ông lương y làng tôi chỉ là cây thuốc nam được mấy người làm từ thiện hái về phơi khô chặt nhỏ để làm thuốc. Thằng em bị bệnh ban bạch? bệnh tình thằng nhỏ kéo dài đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Mấy ông thầy thuốc nam tiên lượng thằng nhỏ sẽ chết. Đêm nào tiếng đám cú vọ kêu là bà già khóc dữ lắm.
Người miền tây cho rằng tiếng kêu con cú mèo là điềm gỡ!? Còn nhớ hồi nhỏ đọc mấy tờ báo xuất bản trước khi miền nam lưu vong tờ Thần Chung thì phải, có đăng phóng sự trước khi tử hình cậu Út Trầu-Ngô Đình Cẩn thì đêm hôm trước tử hình có con chim cú mèo đậu trên nóc khám Chí Hoà kêu suốt đêm?
Mỗi lần đám cú mèo kêu ông già ra ngoài vườn lượm đá ném để xua đuổi chúng bay đi chỗ khác. Nhờ may mắn có ông thầy Năm Đạt, ông trước đây là thầy giáo làng, ổng có bằng đíp-lôm thời tây cũng hành nghề thuốc nam. Ổng đến gặp ông già mình và nói " thằng nhỏ có lẽ không còn sống được bao lâu. Mọi phương cánh thầy-ba mình cũng đã lo cho nó rồi. Thôi thì phước chủ may thầy. Tôi chỉ còn phương thức cuối cùng may ra cứu được thằng bé" Nói xong ổng kêu ông già bế thằng bé ra ngoài để ổng lể. Lể trong đông y thời đó là dùng mảnh sành sạch cắt lên da đứa em mình. Cắt chỗ nào ổng dùng tay nặn máu chỗ đó. Ổng bảo là máu thằng nhỏ có màu đen? Lể đau đớn vậy mà thằng em mình chả hề khóc tiếng nào, đơn giản vì thằng nhỏ quá yếu để mà có phản ứng lại với đau đớn.
Sau khi lể xong, Cậu Năm Đạt-mình kêu ổng bằng cậu về phòng mạch bốc cho thằng nhỏ một thang thuốc. Ổng nói với ông già sau ba thang mà thằng nhỏ không ngồi dậy ăn cháo thì tôi cũng đành bó tay! Ơn trời sau ba thang thuốc của ổng thằng em mình hồi phục và khỏi bệnh hẳn. Thằng em khỏi bệnh bà già đến quỳ lại cậu năm rồi oà khóc nức nở!
Ông thầy năm Đạt người ốm như que củi, chỉ ăn chay trường. Trong nhà ổng cực kỳ sạch sẽ, ổng sống thanh tịnh. Cứu người nhưng ai đưa tiền ổng đều không nhận và cực kỳ khó tính. Ai có bệnh đến mà có thái độ không phải là đuổi về không điều trị. Thường người bệnh đến điều trị chỉ cần trả công cho ông Năm bằng cách hái mấy cây thuốc mọc hoang về rửa sạch, bỏ bao đem đến để ổng làm thuốc. Mỗi tuần ổng đóng cửa một lần, dắt chiếc xe đạp đòn dong đi kiếm thuốc khắp các vườn trong làng. Vườn nhà mình rộng lại còn khá hoang hoá nên hầu như tuần nào cũng thấy cậu năm lúi húi đào xới để tìm thuốc. Bà già mình thi thoảng có đồ ăn đem biếu nhưng ổng không nhận, phải lén lút đưa cho mợ năm. Ổng mà biết được mợ năm nhận đồ biếu của ai là ổng đánh dữ lắm.
Cậu năm có ba người con, nhà không có ruộng vườn chi cả mấy người con của cậu năm cũng làm thuê, làm mướn trong làng, mợ năm cũng làm thuê. Ba mình hay kêu mợ năm làm cỏ vườn. Bà có tâm rất sạch, nghèo khó vậy mà không bao giờ sơ múi bất cứ cái gì của ai. Làm vườn nhưng hễ thấy trái cây trong vườn rụng, bà đều lượm rồi đem vô cho má mình.
Mỗi khi làm vườn bà năm đều bới cơm đem theo. Buổi trưa của bà thường thấy là muối mè, và ít rau dại hái trong vườn. Khi nào ngon lắm có cái trứng luộc hoặc miếng đậu hủ kho nhỏ xíu!
Anh con lớn của mợ năm tên là Bé Ba, anh này trước đây đi lính chế độ cũ, bị thương nên sau khi về làng thay đổi tính tình suốt ngày nhậu như hủ chìm. Anh năm con út đi bộ đội ở Campuchia bốn năm mới về làng dắt theo cô vợ người Campuchia. Về được năm ngày trở lại Cam rồi biệt tích luôn từ đó.
Chị Bé Tư yêu một người làng khác dắt về nhà giới thiệu cậu Năm không đồng ý. Nghe nói chị khóc hết nước mắt năn nỉ mà ông già cũng không thay đổi quyết định. Bỏ nhà theo trai và biệt tích luôn từ dạo đó. Người trong làng không ai còn thấy chị trở về vì nghe nói cậu Năm đã từ chị và thề độc "tao có chết mày cũng đừng có trở về mà chịu tang". Tội nghiệp mợ năm phận đàn bà cam chịu, bà ngày ngày lầm lũi như chiếc bóng. Ngày ngày đi làm thuê mua gạo để nuôi ông thầy thuốc thanh bần!
Cậu Năm Đạt mất không thấy bất kỳ đứa con nào về chịu tang ông ngoài anh Bé Ba ngồi cạnh quan tài say ngất ngưỡng. Cậu năm mất bà Năm cũng bỏ làng đi ra chợ Sa Đéc ăn mày, bà già yếu quá không ai còn thuê. Ông già mình bảo mợ năm lang thang đi ăn xin thấy đau lòng làm sao!
Bà năm chết vào một ngày mưa khóc lóc tháng bảy. Bà chết không một giọt nước mắt khóc thương nào nhỏ xuống cho bà. Ngày bà chết nghe đâu hội từ thiện cho cái hòm bằng ván gòn, người ta liệm bà trong áo quan rồi đem thiêu. Anh bé ba giờ không còn uống rượu nữa mà hành nghề chạy xe ôm. Ông già thi thoảng có gặp ngoài chợ Sa Đéc. Mỗi lần gặp ảnh hỏi thăm mình "thằng Cu nhà chú giờ làm gì sao không giúp gì được cho chú hay sao mà chú già rồi còn phải đạp xe đạp đi chợ cực khổ vậy chú!?" hic
Nước mình sắp được lên thiên đường tới đít rồi, con người ai cũng có quyền chọn cho mình cảnh khổ để hưởng sái nghĩ thiệt là nhân văn và độc đáo lạ thường! Ai chưa một lần lâm vào cảnh khổ cũng nên thử tham gia vào đám người cùng khổ một lần để nếm trải cay đắng mùi đời cho biết, kẻo sau này có muốn khổ, muốn chết chẳng còn dịp nữa, bởi rồi tất cả chúng ta đều sống mãi như tiên ông Bành tổ đó thôi!

Cậu Ba Thạch.

Ông bà ngoại gốc người Làng Thượng văn khi xưa. Làng bị thuỷ phá nặng nề là do nằm dọc sông Tiền. Thực ra hồi trước vùng đất này là cù lao gồm có nhiều làng nhỏ. Cù lao này nối với đất liền qua cây cầu nhà Thương để bắc qua nhà thương Sa Đéc do pháp xây dựng tại làng Tân Hưng. Cầu này sau giải phóng bị thuỷ phá, lở xuống sông luôn, bệnh viện Sa Đéc cũng chịu chung số phận!
Sau thời gian dài bị thuỷ phá làng Thượng Văn, dân vùng này mới tìm về làng An Hiệp sinh sống trong đó có ông bà ngoại mình. Nhờ chịu khó lao động nên ông bà ngoại cũng tích tụ ruộng đất kha khá. Thời tây ông ngoại cũng thuộc nhóm điền chủ. Vì thế khi ông ngoại dời về làng An Hiệp thì cũng đồng thời kéo mấy người tá điền nghèo, trung thành về cùng với ông, và cả cùng với một số bạn bè của ông ngoại khi xưa ở làng Thượng Văn. Đem họ về thì dĩ nhiên cũng phải cho đất cất nhà tá túc tạo thành một cái xóm nhỏ độ chừng chục nóc gia.
Nhà ông ngoại là điền chủ nên là nhà to nhất trong xóm đó, xung quanh bao gồm các tá điền nghèo, mấy người bạn bợm, bạn câu, bạn đánh bài  nhận đất canh tác của ông ngoại, họ chỉ đóng huê lợi nhỏ hằng năm.
Bởi chẳng lạ, sau năm 75 gia đình nghèo khó của mình về đây được người làng cưu mang và giúp đỡ thật nhiều. Nào là giúp dựng nhà, cho mượn hạt giống gieo trồng cho các vụ mùa mới, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cách lật đất phơi khô diệt cỏ dại, bón phân tưới nước và cả giúp luôn việc thu hoạch ra sao, giúp kêu mối lái, giúp bán buôn,...
Hồi về cất nhà trên mảnh đất xưa từng là nhà của ông ngoại, nghe nói cái nhà to ấy cậu hai dỡ đem xây dựng nhà máy lúa bên làng An Tịch. Công việc bết bát thế nào mà bỏ hoang luôn! Cạnh ngôi nhà gỗ của mình là nhà của ông Hai Thủ. Ong già có thú câu cá bông lao trên sông tiền. Mỗi lần thấy ông hai Thủ đi câu trông cực ấn tượng. Dụng cụ đồ nghề bao gồm một cái cần trúc đen nhánh, một cái giỏ đan bằng tre được cột thắt ngang hông, dầu đội nón là và cả một ấm trà nhỏ. Cứ thế ông già đi câu suốt cả ngày ngoài bờ sông không cần ăn gì cả. Thi thoảng ông tợp ngụm nước trà, bập điếu thuôc rê vấn bằng giấy báo.
Có lần ông già câu được con cá bông lao nặng gần 8 ký lô. Đám trẻ trâu như mình cứ mà mơ mãi có ngày cũng được con cá bự tổ chảng kia. Mình cũng ham câu nhưng chỉ toàn là cá bé!
Ông hai Thủ sống rất nhàn hạ. Cả ngày ông chỉ ngồi ở bộ tràng kỷ uống tràl, chỉ dạy đám con cháu các công việc nhà. Mẹ mình bảo ông hai Thủ là bạn đánh bài của ông ngoại. Ông thường cùng ông ngoại đi đánh bài ở mấy dịp cúng đình, giỗ chạp trong làng. Ông làm công việc tay hòm chìa khoá cho ông ngoại. Mỗi khi thấy ông ngoại đánh bài thua tan tác thì ổng không xuỳ tiền ra nữa và úc đó ông ngoại cũng phải biết đứng lên mà đi về! Có lẽ vì quý cái tình này mà ông ngoại đem ông hai Thủ từ làng Thượng Văn về ở cùng? Tính ông hai cũng hiền, lúc nào gặp ổng cũng phì phèo trên môi điếu thuốc vấn ướt nhẹp. vừa nói vừa ho sặc sụa vì khói thuốc. Tóc ông bạc trắng, hai lỗ tai dảo to và hướng về phía trước. Người ta bảo tướng này thông minh và khôn đáo để.
Ông hai có năm người con, hai trai ba gái. Bất hạnh nhất và nghèo khó nhất là cậu ba Thạch người con thứ ba của ông hai. Người trong làng đồn rằng hồi xưa khi cậu ba đi lấy mợ ba, người tỉnh Kiến Phong-Cao Lãnh bây giờ, ông hai có đến nhà để thăm hỏi tình cảnh của bên vợ cậu ba. Người ta bảo bên mợ ba có bệnh điên di truyền. Ông hai biết được tin này nên quyết liệt ngăn cản cậu ba lấy mợ ba. Nghe đâu vì cấm cản mà cậu ba đòi tự vẫn. Thương con ông hai nuốt đắng vào trong, dựng vợ gã chồng cho cậu ba!
Câu ba và mợ ba có với nhau năm người con, bốn trai một gái. Ông hai đặt con theo vần mà ông nghĩ rồi cuộc đời chúng sẽ lanh lẹ. Đá, Bế, Danh, Lanh,Lẹ. Rủi thay lanh lẹ đâu không thấy mà cậu ba nhận được ba thằng con trai đầu đều bị ngớ ngẩn. Riêng chị Bế và thằng út Lẹ may mắn bình thường...để chứng kiến nỗi đau phiền muộn của gia đình. Mợ ba có lẽ là người đau khổ hơn cả. Bà lúc nào cũng mang khuôn mặt sầu khổ vì đã đẻ cho gia đình ông hai đám cháu nội đích tôn đáng buồn như thế!
Anh Đá lớn hơn mình khoảng năm hay sáu tuổi gì đó. Dù tính tình ngớ ngẩn nhưng anh là người cực kỳ sạch sẽ. Lao động giúp cậu ba hết sức chăm chỉ. Nhà cậu ba ngoài thửa ruộng đâu khoảng chục công, mỗi năm trồng một vụ lúa thơm cấy hai lần, cũng thừa gạo để ăn trong gia đình. Ngoài ra nhà cậu ba còn có nghề làm bột gạo nuôi heo. Bột gạo Sa Đéc nổi tiếng vì ngon. Từ bột này mà người ta làm ra bún, hủ tiếu,...
Anh Đá sáng nào cũng thức sớm cho heo ăn rồi xay bột cho cậu ba. Mỗi sáng một mình anh xay 40 chục kí gạo ngâm. Xay xong thì mợ ba bồng bột trong túi vải, anh cho heo ăn và tắm heo. Chuồng heo anh Đá chăm sóc sạch như trong nhà. Đám heo ở trong chuồng da con nào cũng bóng lưỡng, sạch sẽ chẳng dính tí phân. Công việc cứ thế quần quật cả ngày. Tầm khoảng 4 giờ là anh xuống sông tắm gội sạch sẽ, mặc vào người cái áo sơ mi được anh xếp gọn cẩn thận, lót dưới gối nằm cho thẳng thớm. Xong xuôi đâu đó anh thả bộ ngang qua nhà mình đến ngồi lên gốc dừa xiêm nghiên xuống bờ sông, nơi phía bên kia là nhà chị Nghị con bà Tám Xê.
Chị Nghị con gái đầu lòng của bà Tám xê và ông tám mù. Tướng chị Nghị tròn lẳng, làn da con gái miệt vườn trắng hồng, ẩn bên dưới lớp áo bà ba là cặp vú con gái đương thì tròn trịa.
Anh Đá ngẩn ngơ, thiểu năng trí tuệ, ăn nói cà lăm đem lòng yêu chị Nghị. Chiều nào tầm 5 giờ chị Nghị đều xuống sông tắm táp.
Hồi đó con gái làng tôi ai cũng tắm sông, người ta nói nước sông Tiền làm cho da con gái vùng Sa Đéc-Nha Mân trắng mịn màng. Có lẽ nhờ dòng phù sa quý giá bao đời chứa nhiều khoáng chất cũng nên? Anh Đá cứ mỗi khi đến đó là lôi bọc thuốc rê ra vấn một điếu thiệt to. Móc cái hộp quẹt đá lửa, xạch xạch vài cái rít một hơi dài sảng khoái, đôi mắt lim dim hướng về cầu bến sông chờ đợi giây phút thần tiên-chị Nghị đi tắm. Anh Đá nhìn chị nghị tắm thi thoảng rít đầu thuốc đỏ rực trong bóng chiều hoàng hôn chạng vạng. Ngồi lặng lẽ nhìn bất động tợ như bức tượng đá người đàn ông trần truồng chống cằm ngồi trên hòn đá suy tư của danh hoạ Michelangelo. Thoạt đầu, chị Nghị cũng chả thèm để ý gì chuyện cái anh khùng ngồi đó vì phần là thơ ngây con gái miệt vườn!
Một hôm có ông già ba Tiếu cắc cớ đứng sau thò tay bóp chim lúc anh Đá đang trầm tư, phát hiện cái của nợ anh Đá sưng chỏng vó. Ông già la lên "thằng Đá nó mê con Nghị rồi". Sau cái đận tẽn tò ấy chị Nghị mới biết cái nguyên cớ gì khiến anh Đá ngồi đồng bên gốc dừa mỗi chiều buông! Từ dạo ấy, anh Đá ghét cay ghét đắng cái ông già ba Tiếu đã làm anh xấu hổ. Chị Nghị cũng cẩn thận hơn, chỉ tắm khi nào không có cái mặt anh Đá si tình. Người làng bảo con gái mà bị thằng ngớ ngẩn yêu sẽ làm mất duyên con gái. Không biết có đúng không, có điều chị Nghị giờ vẫn mãi phòng không lẽ bóng, chậm chạp đi qua thời gian phiền muộn cô đơn!
Một sự kiện nổi đình nổi đám nhất làng nghèo mình thời đó là việc cô sáu của anh em nhà Lanh Lẹ lấy chồng. Cô sáu làm thư ký cho một công ty thương nghiệp ở Vĩnh Long. Chồng cô sáu là một chú bắc kỳ nhà quê đeo quân hàm trung uý. Dượng sáu tướng ta xấu xí, mặt sắt đen sì sì tợ Hà Tôn Hiến, chằng chịt những vết sẹo lồi trông thật hung ác. Những vết sẹo đó theo lời bà hai là dượng sáu bị thương thời chống Mỹ!
Ngày dạm hỏi cô sáu có cả một đoàn các chú bộ đội xí xào giọng chi cực khó nghe. Ông hai Thủ và bà hai cũng như cả đại gia đình anh em Lanh Lẹ vui đáo để. Thằng Danh, thằng Lanh suốt ngày khoe về dượng sáu tao làm lớn lắm. Dượng sáu tao có cây súng lục dắt hông thiệt là oai. Bà hai mừng, vì giờ gia đình nông dân mình đã bắt đầu có sợi dây liên kết với cách mạng 30 thiệt là sang. Bà hai đi đâu cũng khoe thằng rể bắc kỳ mà trong lòng vui lắm thay!
Thời ấy đâu đầu thập niên 80 thì phải, cả làng nghèo xơ như mít lép. Đám cưới cô sáu quả thật là chuyện quan trọng đáng xem cho cả làng. Nhà ông hai trước bàn gia tiên dán hai biểu ngữ màu đỏ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" "Gái chính chuyên chỉ có một chồng". Thiệt là lạ lùng với người làng!?
Thời gian vật đổi sao dời, làng tôi ngày càng bị thuỷ phá nặng nề. Làng vốn nghèo càng nghèo hơn. Đất đai là công cụ sản xuất bị hà bá lấy sạch. Nhà ông hai cũng chẳng nhờ vả chi thằng con rể cách mạng. Ông hai và bà hai lần lượt qua đời mà lòng cứ đao đáo về đám cháu nội đích tôn dỡ người.
Chị Bế chết vì bệnh tim để lại hai đứa con cho nhà chồng chăm sóc. Mợ ba chết sớm vì phiền muộn kéo dài. Thằng Lẹ học hành rất giỏi nhưng ham chơi và buồn nản chuyện gia đình nên bỏ học.
Tết vừa rồi về có ghé thăm cậu ba Thạch. Cậu rất yếu, chỉ ngồi một chỗ. Thằng Lẹ quanh quẩn ở nhà chăm sóc ba nó và lo cơm nước cho mấy anh. Anh Đá rồi cũng nguôi ngoai chuyện chị Nghị, ngày ngày ra ngôi chợ đầu làng làm thuê vác mướn. Tính anh thiệt thà, ra ngoài đó người ta sai vặt  rồi trả cho chút đỉnh công xá. Ngày có khi anh kiếm được cả trăm ngàn, ít đồ ăn người ta cho.
Anh Đá có hiếu lắm, cậu ba  bảo làm có nhiêu đem về đưa hết cho ổng. Sáng chỉ ăn cơm hâm nóng lại rồi đi làm. Trưa nếu ngoài đó người ta cho gì thì không về. Chiều tối chạng vạng anh mới về nhà tắm rửa ăn bữa cơm chiều.
Thằng Lanh suốt ngày lang thang đầu trên xóm dưới đi nhặt chai bao. lội bùn sình để nhặt nhạnh chai nước khoáng trôi sông. Nhặt nhạnh cả ngày nó đến mấy điểm thu mua ve chai bán được chừng 15-20 ngàn đồng ....để đi mua rượu, ít mồi nhắm. Có rượu, có mồi nó mò về mấy cái sạp ngoài chợ ngồi uống rượu một mình, rồi ngủ luôn ngoài đó, không tắm rửa, không về nhà. Thằng Lẹ bảo chỉ khi nào đói quá nó mới mò về nhà để kiếm ăn. Bằng không chẳng bao giờ về nhà. Mỗi lần mình về thăm quê gặp thằng Lanh nó mừng lắm vì xin được tiền mua rượu uống cả tuần!
Cách nay độ một tháng cậu ba rồi cũng qua đời nốt. Thằng Lẹ một mình côi cút cùng đàn anh dỡ người. Nó bảo em cũng thèm kiếm một con vợ, xấu xí cũng được cho đỡ cô quạnh mà có ai thèm đâu anh! Họ nhìn vào dòng dõi khùng nhà em ai cũng ngán và sợ hết trơn. Thôi em ráng sống mà lo cho mấy ông anh. Khổ nỗi, thằng Lẹ sức khoẻ lại kém hơn mấy thằng anh hoang dại mới chết chứ! Người thằng Lẹ mỏng dính như tờ giấy, lại bị ho lao vì trác táng sớm!
Lỡ mà em chết lấy ai chăm sóc đàn anh bệnh tật của mình. Nó bảo xã mỗi tháng cũng có cho đâu được 400 ngàn. Dù gì khoảng tiền này cũng đủ mua gạo xơi trong tháng. Thằng Lanh có ăn gì đâu, uống rượu thay cơm. Thằng Danh như triết gia. Cười đời, ngoác miệng chẳng còn cái răng nào!? Nhớ cái chuyện anh em nhà Lanh Lẹ hút thuốc cũng lỗi bội phần bởi ông nội em. Ông bảo, tụi mày chẳng thằng nào đánh răng, thôi thì hút thuốc cho đỡ thúi mồm!?
-Thiệt là cám ơn an sinh xã hội ở nước ta quả là gấp vạn lần xã hội tư bản. Mình nói thế, thằng Lẹ nó nhìn mình rồi bảo "anh Cu có vẻ cũng điên giống mấy ông anh em rồi đó!" Nói xong nó cười buồn, đưa tay rót ly rượu đối ẩm uống nhạt, cười khang một mình!

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Đời hát rong.

Xóm mình cũng thuộc xóm vùng ven nghèo kiết xác ở đất Sài Gòn này. Trong xóm có gã Pê đê cũng nghèo kiết xác. Sáng nào mình cũng thấy gã đi bộ ra ngoài đường để ăn sáng. 
Gã vốn đen đũi nhưng thích làm phụ nữ nên lúc nào tóc cũng để dài. Ngực thì phẳng lì như phi trường, phải dùng cái nịt vú hàng tàu để độn lên cho có vẽ nữ tính. Chân to bè, các móng sơn xanh đỏ loè loẹt, mang đôi dép lào loẹt xoẹt. Mặc áo thun hở cổ để khoe tí khe cạn cợt "đàn bà" đáng thương!
Nghề của gã là rài đây mai đó các đám ma, đám cưới nghèo vùng quê để biểu diễn đàn ca, hát xướng nhảy múa mua vui cho các thực khách trai làng sau khi đã nốc rượu say khướt.
Gã bảo ngực Pê đê như em vào mấy chổ này hát ưa bị chửi vì mấy thằng nhậu say mò mẫm hổng thấy vù mớm đàn bà. Mỗi lần đi hát mấy đám này thù lao cũng chẳng là bao.
Gã nói phải chi có tiền, em đi thẩm mỹ viện độn vú cho thiệt to. Pê đê càng hấp dẫn ngoại hình chừng nào đi hát mới có chút đỉnh tiền boa. Bằng không có đêm hát về hai ba giờ sáng không có cả tiền đổ xăng, bụng rỗng chỉ toàn là rượu đế.
Hồi hôm trời mưa to, tầm lúc 20 giờ, hắn ghé tiệm tạp hoá mua áo mưa phương tiện 5 ngàn. Hỏi gã đêm nay em đi hát ở đâu. Gã đáp: Đêm nay em đi hát đám ma ở Bùi Môn Củ Chi.
Mưa to quá thôi ở nhà một đêm với lại xa quá, đi đường nguy hiểm lắm. Gã bảo, mấy đêm rồi có đám nào đâu. Hôm rày không có cả tiền ăn sáng, mua son phần để trang điểm. Nghe thằng bạn kêu đêm nay đi hát, mùng quýnh, phải mượn con xe tàu để đi. Kiếm đồng tiền bây giờ cực khổ lắm.
Khoác lên mình chiếc áo mưa phương tiện, Nàng ngồi lên con xe tàu không quên vén vạt áo dài màu vàng chanh xuống đít ngồi,hì hục đạp máy xe. Chiếc xe gầm lên mất hút vào đêm tối, để lại vệt khói trắng dầy đặc trong màn mưa bụi mờ. 

Nhìn bóng nàng xa dần mà xót xa thân phận con người!

Mưa Sài Gòn.


Quán cóc của chị chiều nào cũng đỏ lửa khắc khoải niềm hy vọng mua may bán đắc. Ngày ngày chị hì hụi đẩy chiếc xe canh bún trên con đường nhày nhụa, lổm chổm ổ gà ổ trâu. 
Mỗi mình chị chiếc xe với thùng nước lèo kẽo kẹt, nặng nhọc chậm chậm một cây số đường mưa-người đàn ba hai con và gã chồng đốn mạt chỉ biết bản thân mình hơn là cái gia đình nhỏ nghèo khó của y. 
Lặn lội một mình ngoài đường phố mưu sinh. Ngày nắng hay ngày mưa, cạnh dốc chân cầu Bến Phân, miếng bạt che mưa, chiếc đèn compact nhỏ xíu, câu nhờ từ nhà dân gần đó. Vài cái ghế con con dành cho thực khách lót dạ đường khuya.
Chị bảo mỗi đêm nếu trời không mưa thì bán được chừng 200 ngàn. Đêm nào trời mưa thì ít hơn. Còn nếu mưa lớn quá thì hẳn là chị ngồi bó gối thu lu chờ khách cho đến tận khuya. Có đêm chị đẩy xe về qua ngõ nhà mình quá 12 giờ!
Sài Gòn hôm nay mưa kéo dài khủng khiếp. Mưa từ tầm 5 giờ cho đến tận giờ này, mưa như trút nước, đường phố biến thành dòng thác tuôn chảy ào ạt. Quán cóc của chị đêm nay không một bóng người. Nồi nước lèo vẫn bốc khói nghi ngút. Miếng bạt quá nhỏ để có thể che chắn cho khách lỡ đường lót dạ đêm khuya. Gặp chỉ đẩy xe về, vừa đi vừa khóc. "Chiều giờ không bán được tô nào chú ơi! Thùng nước lèo ế đêm nay coi như đổ bỏ. Vốn liếng chẳng là bao mà Sài Gòn cứ mưa mãi thế này chắc mấy mẹ con chết đói quá chú à!"
Bóng chị đổ dài trên con đường mưa vàng ệt như bóng thời gian tận cùng khổ đau của xã hội nhầy nhụa bóng thiên đường!

Thằng Què.

"Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu đi. Bậu đi bậu lấy ông câu. Ông câu cá bống để dành bậu ăn. Bậu ăn không hết để dành, để trên áng sách, để đầu áng thơ!". Văng vẳng nhà bên tiếng ru hời câu ca dao nam bộ thuở nào của người mẹ trẻ trong căn nhà lá rách nát tả tơi. Nàng ngồi bất động. Mầm sống đang yên lành ngon giấc. Thi thoảng thằng nhóc chép miệng, nhoẻn cười sau cử bú no nê từ bầu sữa căng tròn của mẹ nó. Hàng xóm quê mình bảo ba nó bận đi tù vì tội giao cấu với trẻ vị thanh niên-má nó. Nên bỏ má nó từ trước khi thằng nhóc chào đời trong bệnh viện. Rồi thằng nhóc sẽ lớn lên. Hẳn nó sẽ cùng với má nó, cùng với cái nghèo muôn kiếp xứ mình lê la cùng năm tháng. Không biết rồi người mẹ son sắc ấy có đi bước nữa để tìm kiếm nửa còn lại mà mình ảo tưởng. Nửa còn lại san sẻ gánh nặng cuộc đời mà em mong ước!? Người mẹ chỉ vừa tròn 17. Cái tuổi còn quá nhỏ để hiểu khó khăn còn rất nhiều phía trước, cùng những cạm bẫy chực chờ và trách nhiệm cho thằng nhóc yên lành khôn lớn!?
Thằng Què, cả ngày ngồi yên lặng bên ngạch cửa nhà ngóng ra đường. Thi thoảng nó nhìn xuống đôi chân teo tóp như hai que củi nhỏ bất động, rồi ngước mắt nhìn bầu trời mây xám đùng đục những ngày mưa mù. Nó yên lặng ngồi chờ đợi ba nó gửi tiền về cho ông bà nội nghèo khó. Nó chờ đợi ba nó về cùng với đứa em lành lặn mà đã nhiều năm nó không gặp. Nó cần tình thương của ba nó hơn là suốt ngày bất động trong ngục tù của ngôi nhà. Nó hiểu nó mồ côi trong chính ngôi nhà mà ông bà nội nghèo khó đã phải buộc lòng cưu mang nó. Trong cái nhà rách bươm này ai cũng muốn nó chết đi. Sự sống mệt nhoài và tật nguyền của nó hẳn là gánh nặng nợ đời hơn là một cái gì khả dĩ nó sẽ đền đáp khi khôn lớn về sau!?
Ông nội nó là gã đàn ông gầy guộc và đen đúa. Nhìn ông nội nó trong làn bụi mờ ở họng thải trấu nhà máy xay lúa, người ta có cảm giác như gã là cây tràm cháy đen gầy guộc đang còn nhả khói.
Tuổi của ông nội nó chỉ áng chừng năm mươi. Nhìn dáng của người đàn ông nghèo hèn, bước đi xiêu vẹo,nhọc nhằn mưu sinh mới thấy con người bất lực và khốn nạn ra sao để có thể tự nuôi sống bản thân mình cho thật đàng hoàng và tử tế, khi vốn sinh ra trong truyền thống nghèo hèn. Cho dẫu cái xã hội mà ông ấy thụ hưởng vốn ưu việt vạn lần!!!
Nghèo đói và bệnh tật luôn là cặp bài trùng. Do làm trong môi trường nhiễm bụi silic-nhà máy xay xát lúa, ông nội nó bị nhiễm bệnh bụi phổi khá nghiêm trọng. Đau đớn và sợ nhất là mỗi khi nghe ông nội thằng Què ho. Mỗi lần ho, tiếng ho đùng đục phát ra từ cái cổ đầy đàm nhớt đặc quẹo, kéo dài kỳ lạ. Khi ho, ổng ngồi co quắp. Dường như tất cả các cơ trong tấm thân thần chết của ông được vận dụng để tiếp sức cùng với cơn ho tàn nhẫn.
Công việc hàng ngày của ông nội nó là lấy chiếc ghe cùng với bà nội nó đến các nhà máy xay xát trong vùng để thu mua mớ bã trấu vụn lẫn cám và tấm về sàng sẩy lọc ra chút tấm, cám để bán cho mấy nhà nông nghèo khó trong vùng nuôi heo, gà vịt,...cải thiện thu nhập ngoài chuyện đồng áng, làm thuê quanh quẩn trong vùng!
Chiều về ghe cặp bến. Ông nội nó khó nhọc vác từng bao trấu lên bờ để bà nội bắt đầu công việc sàng sẩy. Thằng Què quá ốm yếu nên chả giúp gì được, thành ra lại là cái gai trong con mắt bà nội hồi xuân đĩ thoả và ông nội bắng nhắng vì nghèo khó và bệnh tật. 
Mỗi ghe trấu đầy khoảng độ hai chục bao trấu to. Cứ vác xong một bao ông nội nó phải ngồi nghỉ 5-10 phút để thở và...ho! Mỗi lần nhìn cái xác quắt queo ho đứ đừ. Bà nội nó chỉ nhìn vô cảm và thở dài ngao ngán. Ả thi thoảng liếc vào màn hình chiếc điện thoại đầy tin nhắn sặc mùi tình dục của gã người tình nào đó!? Mặc xác lão đang hục hặc ho, ả chỉ mãi chăm chú nhắn tin cho người tình!
Bà nội nó kém ông nội nó vài tuổi. Cặp vú to đùng, đầy đặn ẩn đằng sau chiếc áo bà ba kín cổ. Dáng người tròn lẳng lơ, phốp pháp. Cái tuổi hồi xuân đàn bà cạnh gã chồng gầy đét hẳn chả còn chút hứng thú dục tình. Tìm thú vui nhục dục âu cũng là bản năng sống tự do duy nhất mà con người còn có cơ may sở hữu ở xã hội điên khùng này!
Quần quật cả ngày, thu nhập của ông bà nội nó chỉ độ 100 ngàn. Tất tần tật khoản thu nhập nghèo khó đó cộng với sàng sẩy mớ gạo vỡ hạt to để nấu cơm. Thằng Què quanh năm suốt tháng chỉ ăn thứ cơm đó. Nhà thằng Què cạnh cái quán tạp hoá có gã chủ kiệm lời, bủn xỉn. Sáng sáng người ta thấy thằng Què ngồi nhìn sang cái quán. Trong ánh nhìn phiền muộn vì mồ côi, vì thiếu tình thương và cả vì thèm khát mớ bánh treo lủng lẳng trêu ngươi thằng Què.
Nhìn chán tiệm tạp hoá và mớ bánh kẹo thèm khát. Thằng Què ngó ra đường nhìn lũ trẻ hàng xóm vui đùa ngoài hẻm, nhìn lũ trẻ đến trường. Nó cũng thèm được đến trường, thèm được vui chơi như chúng bạn cùng lứa. Chẳng đứa nào muốn kết bạn với nó. Cô đơn ngày nối tiếp ngày với nó như là thứ định mệnh tàn nhẫn gắn liền với số phận Thằng Què.
Dạo gần đây mấy nhà máy xay lúa trong vùng lắp đặt thiết bị xay ngày càng hiện đại hơn nên cái công việc mót tấm cám của hai ông bà nội nó ngày càng què quặt hơn vì  có rất ít tấm còn sót lại. Nhiều khi cả ngày sàng sẩy bụi bặm mà cũng chỉ kiếm dăm chục ngàn. Ít việc, bà nội nó thường xuyên vằng nhà hơn. Ông nội nó phần túng thiếu, phần bất lực với bà vợ hồi xuân nên thằng Què trở thành đề tài chính cho sự chì chiết và đánh đập của ông nội nó và cả bà nội nó sau khi đĩ thoả trở về nghe tiếng bóng gió của lão chồng bệnh hoạn. Ba mình bảo ngày nào cũng nghe tiếng thằng Què khóc tức tưởi vì bị đánh đập. Thoạt đầu chỉ nghe thấy tiếng khóc nức nở và tủi hờn.
Con giun xéo mãi cũng quằng. Hôm rồi về thăm quê mình nghe tiếng thằng Què vừa khóc vừa chửi lại ông bà nội nó. Vừa bất ngờ, vừa xót xa cho cái tuổi còn bé xíu. Chỉ mới khoảng 7 tuổi, thằng Què đã biết sử dụng lại chính ngay cái ngôn ngữ thù hằn mà ông bà nội đã phang cho nó để đáp trả. Càng đánh nó càng chủi tợn, bởi nó không thể bỏ chạy mà chỉ ngồi một chỗ chịu đòn roi. Ông bà nội bực mình vì đã nhiều năm ba nó không còn gửi tiền về nuôi thằng Què bất hạnh. Nhìn thằng Què lê lết mà chẳng đỡ đần gì lại còn ăn hại. Khi không lại phải cưu mang của nợ nên mọi bực dọc đều trút lên cả thằng Què đáng thương! 
- ĐM mày là thứ ăn hại, sống chỉ chật đất. ĐM tiền của đâu nuôi cái thứ báo cô như mày!? Tiếng bà nội nó ong ỏng sủa. Thằng què đáp lại:
- Mai mốt này ba tao về, ba tao có nhiều tiền, ba tao sẽ đem tao theo. Tao chả thèm ở chỗ này nữa.
-Mày ở đó mà hy vọng cái thằng cha chết đường, chết chợ của mày. Nó bỏ mày như bỏ con chó ghẻ. Rồi thì tiếng thằng Què khóc vì tủi hờn. Trong lòng nó dẫu vẫn còn chút hy vọng rằng ngày nào đó ba nó sẽ về, sẽ mang nó theo cùng. Rồi thì nó sẽ được yêu thương, được đi học, được ăn cái kẹo nhà hàng xóm bủn xỉn kia bởi vì ba nó có thật nhiều tiền mua cho nó. Dường như cứ sau mỗi lần roi vọt, tiếng khóc vì tuyệt vọng ngày càng dài hơn. Có lẽ nó nghĩ "Không biết liệu ba nó có còn về đón nó không?"
Cách nhà thằng Què ba căn, ba năm trước đây cũng có thằng què cùng hoàn cảnh vì sốt bại liệt như nó nhảy sông tự vẫn. Ông già mình bảo thằng què con bà tư Chè chết vì bị bà tư chửi suốt ngày nên thằng nhỏ uất ức tự vẫn. Nửa đêm thằng què ra con sông trước nhà nhảy xuống. Sáng hôm sau người ta thấy xác thằng nhỏ tấp vào chân cầu. Bà tư Chè nhìn tướng sát phu hại tử, bẳng nhẳng vì nghèo khó. Suốt ngày lê la khắp các khu vườn bỏ hoang trong làng mình để hái rau, nhặt củi, hái trái cây. Nhà bà còn đứa con gái tên cô Xôi, không chồng người quắc như cành củi khô. Trước đây người ta còn thuê mướn làm gạch, giờ chả ai thuê mướn gì cả vì Xôi không còn sức khoẻ. Nghe đâu xã có trợ cấp cho gia đình bà tư Chè mỗi tháng 200 ngàn tiền minh tệ. 
Nhìn hoàn cảnh thằng Què mà nhớ chuyện thằng què bất hạnh trước đây, sao lo quá! Bước đường cùng tuyệt vọng có khi nào thằng Què rồi cũng làm cái chuyện dại dốt như thằng què năm xưa con bà tư Chè đã chọn!?
Một cánh tay nào vươn ra níu đời nó. Một cơ may nào cho thằng Què qua kiếp người bớt nhọc nhằn. Một ngày mai nào thằng Què thấy sự sống mới đẹp đẽ làm sao? Hay là cứ ngu muội cùng kiên định bóng thiên đường nhầy nhụa cuối cuộc đời!? Nơi lần lượt kẻ trước người sau về trong cõi chết khôn cùng! Nơi thời gian dừng lại, khổ đau, nghèo giàu, lành lặn hay tật bệnh,...chả còn ý nghĩa gì nữa, bởi tất cả chúng ta đều bình đẳng!
Què ơi! tụi mình không thể trông mong gì người lớn xây dựng một xã hội công bình bác ái cho mọi người. Nếu có chắc hết thế kỷ này? Thay vì vậy, tụi mình chờ đợi cái chết? Tao cũng biết, kiếp làm người của mày có phần khốn nạn hơn tao nhưng liệu tao không khổ đau kém mày?
Tiếng ru hời nào sẽ theo em đi đến cuối con đường!? Nơi tuổi thơ ngắn ngủi trôi qua trong yên lành của ngày xưa! 
Sài Gòn nửa đêm về sáng.