Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Dì Tư Xom.

Hồi còn sống ở cái làng An Hiệp bé tẹo, nghèo khó. Đất đai là công cụ sản xuất của Đảng giao cho dân bị Hà Bá ngày đêm xà xẻo! Dân tình nhộn nhạo mai dỡ nhà, mốt dựng nhà. Cứ điệp khúc này mà hát mãi nên nhà ngày càng bé tẹo và tạm bợ hơn! Nhà mình chẳng khá gì hơn là cái chòi lá của trẻ con thuở chơi nhà chòi.
Đối diện với căn hộ rách bươm nhà mình phía bên kia sông là nhà dì tư Xom. Dì tư dáng người nhỏ thó, miệng rộng, ăn nói sang sảng như đàn ông. Miệng lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Ngán nhất là mỗi khi bả qua nhà chơi trong lúc miệng đang nhai trầu. Cứ bạ đâu phun đó. Vì là khách đến chơi nhà nên không cách chi nói được với dì. Nhà thì nền đất chỗ nào di tư phun trầu nó cứ nhão ra. Đã thế khi nhai trầu nước dãi màu đỏ ứa ra hai mép, dì tư dùng ngón trỏ và ngón cái quẹt mồm rồi quệt lên thành ghế hay vách nhà thiệt là ớn hết sức!
Dì tư có tật là ghé nhà mình có khi ngồi nói chuyện đến khuya. Dì nói bất kể chuyện chi. Nói về gia đình dì, tố khổ cái lão chồng dâm loàn đã bỏ dì theo người đàn bà khác. Nói về đám con dì, con dâu dì,...Nhiều khi nói những tình huống khiến dì cười đái trong quần luôn! Oải nhứt là khi đang học bài gặp dì tư qua chơi nhà, y như rằng sáng hôm sau tiết kiểm tra miệng ăn phải con ngỗng là chuyện thường tình. Hồi nhỏ học hành dỡ hơi. Bài chi thuộc lòng phải gạo đi gạo lại cả tiếng mới may ra nhớ lõm bõm!
Nhà di tư Xom không có đất ruộng trồng lúa. Dì bảo, tao trước kia nhà cũng có cả chục công ruộng trồng lúa một vụ rất trúng. Nhưng cái thằng chồng cặt ngựa câu kết với con đĩ lồn lừa đã lừa bán cho người khác rồi!?
Thu nhập chính của Dì tư Xom là cách nhật chèo xuồng sang phía bên kia bờ sông Tiền, thuộc huyện Cao Lãnh để hái rau muống mọc dại về bó thành từng lọn nhỏ rồi đem ra chợ Sa Đéc bán lấy tiền đổi gạo! Hồi đó người dân quê tôi gọi vùng đất màu mỡ phía bên kia sông Tiền là bên cồn. Cồn tức là vùng bãi bồi phù sa. Nơi đó dân chúng thưa thớt, đất còn hoang hoá. Bãi bồi có nhiều tôm cá, rau cỏ mọc xanh um, cực kỳ tươi tốt. Đặc biệt rau muống đỏ, cọng nào cọng nấy mập ú cỡ ngón tay cái, Rau trai cọng to bằng ngón tay trỏ, hái về luộc, ăn mềm và ngọt. Ăn cơm bằng rau này luộc chắm mắm kho quẹt là số dzách!
Mắm kho quẹt của người nhà quê miền tây khác một trời với món kho quẹt chấm rau tập tàng trong mấy nhà hàng quán nhậu đất Sài Gòn. Kho quẹt của người miền tây là nước mắm bỏ vào cái ơ đất nung đặt lên bếp củi và đun chừng nào cạn còn lại hổn họp sền sệt như muối. Món kho quẹt tuỳ chỗ giàu nghèo mà có thêm chút đỉnh sự khác biệt, khi thì thêm vào ít tép mỡ, mấy trái ớt hiểm xanh. Kho quẹt chấm rau luộc, rau sống chỉ tổ vở nồi cơm nhà nghèo. Thời đó gạo vốn là thứ chính trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài trời mưa lâm thâm ăn cơm với nước mắm kho quẹt là sướng nhứt. Ăn xong một đập hai xoa leo lên giường trùm chăn ngủ một mạch tới sáng còn chi bằng!
Phần lớn người làng tôi đều sang cồn để kiếm sống. Nào là đánh cá, chất chà cá he, chà tôm, cào hến, chặt ngó bần về làm củi đốt, hái rau muống, làm thuê cho mấy chủ đất giàu có bên kia,...
Dì tư làm việc cần mẫn hàng ngày. Trong đời chưa thấy người đàn bà nào cực khổ như dì. Ngày nắng hay ngày mưa gì bà cũng đều đặn làm cái công việc cực khổ đó mình ên. Sáng tầm 3 giờ sáng, dì tư dậy nấu cơm gói vào lá chuối với ít con khô, múc một ấm nước lóng phèn đem xuống xuồng, rồi bơi một mình sang kia sông để hái rau muống. Công việc bơi xuồng ghe nhỏ qua sông Tiền trong mùa mưa bão thường gặp nhiều rủi ro chết người. Sợ nhất là lúc giông gió thời điểm vượt sông. Mặt sông đang yên lặng bỗng sóng nổi cồn cao 2-3 mét, quật từng cơn thì xuồng ghe nhỏ, chở khẳm là bị nhấn chìm như chơi. Làng tôi chứng kiến nhiều vụ lật xuồng rất thương tâm!
Hồi đó có con bé tên Sáu Sậu cũng cỡ tuổi mình có mang đâu chừng sáu tháng đi cấy bên cồn về xuồng bị giông lốc nhấn chìm. Trên xuồng có 6 người. Ba người chết trong đó có Sáu Sậu và đứa con hài nhi trong bụng! Xác Sáu Sậu trôi tuốt xuống bến phà Mỹ Thuận phải bốn ngày sau người nhà mới tìm thấy đã trương phình! Sáu Sậu chết lúc mới 16 tuổi cùng với đứa con không biết ai là ba nó!? Sáu Sậu mồ côi cha mẹ, ở với ông ngoại có thời đi lính cho Tây tận Algieri!
Thường dì tư đi từ sáng sớm đên tối mịt mới trở về nhà. Ngoài đống rau muống ngập xuồng còn có mấy trái bần chín cây, bắp chuối xiêm, xoài chín,...dì bảo là lượm trong các bờ đê bao!? Về nhà bà cột cái xuồng vào bến rồi một mình lúi húi vác lên bờ để lặt là già, lá sâu xia, cắt bỏ rể mọc từ nách lá, bó thành từng lọn cỡ cổ tay người lớn bằng cọng lá chuối khô xé nhỏ. Thường dì chỉ làm việc một mình. Có nhiều đêm dì làm cho tới gần sáng mới xong. Sau khi đã bó xong, dì lại vác xuống xuồng rồi bắt đầu chèo ghe ra chợ Sa Đéc để bán.
Hồi đó từ làng ra đến chợ Sa Đéc đường sông khoảng chừng 4-5 cây số, chỉ có một con đường ngắn nhất là đi cặp dòng sông Tiền. Ngán nhất là chèo ghe đi vào mùa nước nổi. Vào mùa này, nước phù sa đỏ ngầu từ thượng nguồn đổ về rất mạnh. Suốt mùa nước nổi dòng chảy chỉ một chiều duy nhất. Dòng chảy mạnh đến nỗi nhiều khi ghe trang bị máy đuôi tôm cũng phải ì ạch vượt qua những chổ xoáy hiểm trở. Đó là chưa kể đến hiện tượng đất lỡ hết sức nguy hiểm. Nếu ai xui xẻo đang đi gặp đất lỡ thì xuồng ghe bị hút vào và nhấn chìm tợ như gặp cơn sóng thần nhỏ. Hồi trước nhà mình cũng từng bị mất chiếc ghe vì đất lở. Đất lở ngoài vàm sẽ tạo hiện tượng nước trong các con lạch nhỏ bị hút ra, kéo theo ghe neo đậu trong lạch cũng bị hút theo. Nếu không phát hiện kịp ghe trôi ra sông lớn, mất luôn!
Gặp chổ vịnh, nước chảy yếu dì tư chèo, gặp chổ xoáy nước chảy mạnh không thể chèo được dì tư cặp bờ, leo lên ruộng dùng tay kéo ghe vượt qua! Nhẫn nại, chịu thương chịu khó một mình dì cũng tới chợ. Nhiều hôm nước ngoài ruộng ngập quá lưng quần, dì phải vừa bơi vừa kéo ghe rau muống khẳm đừ! Bán xong bơi xuồng ra sông Tiền thả trôi dòng nước đưa dì về xóm cũ. Nhiều hôm dì tư mệt mỏi ngủ thiếp đi, thuyền trôi tới phà Mỹ Thuận! Cách xa nhà dì cả chục cây số. Đời đã khổ lại càng khổ hơn!
Dì tư có bốn người con, ba trai một gái. Đứa nào dì cũng cực khổ lo cho ăn học. Anh con lớn của dì tư học dang dỡ đại học văn khoa Sài Gòn, về lấy vợ sớm. Gặp cô vợ quá quắt nên dì tư chửi suốt ngày. Đứa thứ hai là gái học trên Sài Gòn rồi lấy anh chồng hải quan gốc bắc kỳ. Anh thứ ba ra làm công thương nghiệp ở tận Hồng Ngự. Còn ở với dì là thằng Út, suốt ngày đi chơi bời lêu lỏng, bỏ học sớm, chả thấy phụ dì tư làm gì hết. Phần là dì tư có tật chửi con cái. Mỗi lần bả chửi mấy tiếng đồng hồ. Chửi con đã, rồi lôi chồng ra chửi. Nhiều đêm dì tư vừa lặt rau muống vừa chửi chồng con ra rả cả đêm. Có khi chửi đã dì ngủ luôn sáng bảnh mắt, quên cả lặt rau. Chuyến chợ đó coi như dành lại cho ngày hôm sau.
Dì tư có tật hay chửi hàng xóm vì chuyện không đâu. Chuyện tàu lá dừa nhà dì rụng xuống nhà bên bị người ta lấy mất làm lá nhúm lửa dì cũng chửi. Về nhà mất cái này cái kia dì nghi ngờ ai là cứ chõ mỏ sang nhà đó mà chửi. Ai nhột lên tiếng chửi lại. Thì ô hô, một trận chiến ngôn ngữ sử dụng linh vật được tung ra!
Dì chửi, nếu không ai phản ứng gì thì cuộc chửi kéo dài chừng tiếng đồng hồ. Chửi lại thì dì chửi tiếp, chửi khi nào khan tiếng thì thôi.
Dì tư không biết chữ nhưng được cái là thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ nam bộ. Đêm miền quê yên ắng, một mình dì tư bên cái đèn trứng vịt, những đêm thanh bình không chửi chồng con, hàng xóm thì dì hát đối một mình. Có khi thì dì đọc thơ lục bát của đức Huỳnh giáo chủ. Ba của dì tư nghe nói là tín dồ của phật giáo Hoà Hảo nên nhờ vậy mà dì thuộc thơ của ổng rất nhiều!
Làm lụng cực khổ cả đời như thế mà dì tư sống thọ phết, bà chết nghe đâu cũng gần chín mươi tuổi mặc dù có thời kỳ dì mắc bệnh lao vì lao lực quá sức!
Cuộc đời dì quả thật ứng với câu nói bất hủ " Con người sinh ra chỉ để đau khổ rồi chết!". Dì sống với cả đời cực khổ, chồng thì bỏ, con cái vì ớn cái tánh hay chửi của dì nên chẳng dám đem dì về phụng dưỡng. Cuối đời có rỗi rãnh chút đỉnh...nhờ bệnh tật và cũng chẳng còn sức khoẻ để làm!