Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Câu chuyện Làng tôi và canh bạc chính trị.

Trong các tác phẩm sưu khảo xuất bản trước năm 1975-quyển Sa Đéc xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh có điểm qua về sự hình thành và ra đời tỉnh lị này. Tỉnh lị Sa Đéc nằm dọc sông Tiền. trước đây nó thuộc vùng đất của người Thuỷ Chân Lạp. Có tên Phsar Dek-có nghĩa là chợ sắt. Tuy nhiên cũng có khá nhiều tranh cãi xung quanh cái tên này. Có người bảo nó là tên một vị thần người Khmer. Riêng mình thì tên Chợ Sắt có ý nghĩa hơn.
Hồi xưa Sa Đéc là vùng đất trù phú bao gồm các Làng Thượng Văn, An Tịch, Tân Hiệp,...Các làng này nằm dọc theo Sông Tiền. Bây giờ các làng này hoàn toàn biến mất do hiện tượng thuỷ phá bởi dòng sông Tiền.
Sa Đéc là vùng đất nằm giữa sông Tiến và sông Hậu. Hồi đó Sa Đéc có nhà thương Sa Đéc do Pháp xây. Tương truyền, khi người Pháp xây dựng nhà thương này nhà Bác Vật Lưu Văn Lang đã tiên đoán rằng nó sẽ biến mất do hiện tượng thuỷ phá. Lời tiên đoán này hoàn toàn chính xác vào cuối thập niên 70s đầu thập niên năm 1980s.
Hồi trước để đi qua nhà thương Sa Đéc-Xóm Chài, người dân phải qua cầu Sắt Quay rồi đi ngang Dinh Tham Biện, tiếp qua cầu  Nhà Thương. Cây cầu này nay cũng không còn. Thay vào đó là một con đê chắn ngay cửa sông Sa Đéc nối từ Dinh Tham biện(cũ) với phường 4 hiện nay( hồi xưa được gọi là Xóm Chài). Mục đích của con đập này là để chắn dòng chảy của sông Tiền vào phá huỷ chợ Sa Đéc. Xóm Chài hay còn gọi là Làng Tân Hưng. Làng này nổi tiếng có Đình Tân Hưng cực kỳ linh thiêng. Tương truyền khi đình bị thuỷ phá, dân làng xin xâm. Ông thần đình báo mộng rằng dân làng không được phép dỡ đình mà hãy để cho nó văng xuống sông. Dân trong làng đồn đại rằng do ông Thần của Đình Tân Hưng lỡ cờ bạc thua với bà thuỷ nên cầm cố đất đai và cả cái đình mà dân chúng thờ ông để có vốn gỡ tiếp?.
Câu chuyện của Đình Tân Hưng cũng tương tự câu chuyện Làng Thượng Văn khi xưa. Làng Thượng Văn là nơi chôn nhao cắt rốn của dòng họ bên ngoại. Hồi đó hầu như làng nào ở vùng Lục Tỉnh nam kỳ cũng có cái đình thờ thần.
Hằng năm có hội cúng đình, dân làng tổ chức rất hoành tráng. Mỗi khi cúng đình con nít khắp trong làng đều được ăn uống miễn phí. Thường trong mỗi kỳ cúng đình đều có lễ tống tiễn, thả bè trên sông. Các bè này dùng các thân cây chuối được kết lại làm thành chiếc bè. Bè được trang trí nhiều màu sắc sặc sỡ, cờ phướng loè lẹt. Trong mỗi bè đều có các đồ cúng dành cho âm binh, đồ cúng khi là cả con heo quay, vịt quay, bánh trái khá xôm tụ. Dân trong làng mê tín di đoan, chả ai dám ăn đồ tống tiễn. Duy chỉ lũ trẻ trâu là xơi tuốt. Hồi nhỏ mỗi khi thấy bè thả trôi sông mình cũng bơi ra kéo vào bờ để lục soát coi còn chút thức ăn nào không? Khi thì con tôm, miếng thịt luột, mấy quả trứng vịt, ít bánh men mềm nhũng nhẽo. Tất cả được gom lại xơi tuốt. Mặc cho bà già cấm đoán dữ lắm- ăn đồ cúng không nên?
Lễ hội cúng đình kéo dài cả tuần lễ. Hấp dẫn nhứt là được xem Hồ Quảng, Hát Bội, các vở tuồng được diễn trong lẽ cúng đình nào là Lương Sơn Bá_Chúc Anh Đài, Lưu Bình-Dương Lễ, Thoại Khanh-Châu Tuấn,...Thương nhất là mấy bà già trầu trong Làng rất mê mấy tuồng hát. Mỗi khi có dịp cúng đình làng, mấy bà khăn gói, trầu thuốc cắm trại tại lễ cúng Đình cả tuần!
Làng Thượng Văn khi xưa có thờ ông thần, nghe nói đâu ông này có công lao đánh tây nên được Nhà Nguyễn phong sắc Thần? Đình Thượng Văn cũng nổi tiếng linh thiêng. Duy có điều là dân làng bảo ông có máu cờ bạc, ngặt nỗi ông chơi chỉ toàn thua!? Hồi xưa làng nghèo nên việc cúng kiến chắc chẳng là bao nên mỗi khi thua bài, lão thần làng lại lấy đất làng cầm cố cho bà thuỷ? 
Hằng năm cứ mỗi mùa nước nổi, bà thuỷ về làng đòi đất. Cứ thế, năm này sang năm khác, dân làng Thượng Văn phải ba lần dời Đình. Hồi mới thua cuộc 30/4/75  ông già bị đuổi dạy sau khi đi học tập cải tạo tư tưởng. Cả nhà kéo về làng Tân Hiệp sinh sống, đình Thượng Văn khi ấy đã được dời về đây ngay đầu làng giáp với làng An Tịch. Do làng Thượng Văn bị bà Thuỷ lấy sạch đất. 
Có một giai thoại đồn thổi: "hễ dân làng Thượng Văn dời Đình tới đâu là bà thuỷ sẽ tới đó đòi đất. Quả thật, Đình Thượng Văn về làng Tân Hiệp thì làng này cũng bị thuỷ phá nặng nề và biến mất khỏi bản đồ hành chính! Nghe đâu Đình Thượng Văn giờ được dời qua xã Bình Thành, huyện Cao Lãnh. Theo dòng thời gian, đình bây giờ chẳng còn được dân làng quan tâm thờ cúng nên vì thế mà sự linh thiêng chẳng còn mấy!?
Từ câu chuyện các vị thần cờ bạc, cầm cố đất đai cho bà thuỷ mình liên tưởng đến cuộc cách mạng "giải phóng dân tộc" của Đảng ta. Tựu trung giống nhau ở một điểm chung là cờ bạc bằng tiền vay bạc hỏi. Cầm cố đất đai của tổ tiên để đổ vào canh bạc, lô đề chính trị. Cái thú của mấy nhà làm chính trị ngốc nghếch là bằng mọi giá, miễn sao nắm quyền lực trong tay. Bất chấp cái giả phải trả nặng nề!? Bởi vì họ hiểu, trả lãi vay cắt cổ,...thì con cái đời sau lo mà nai lưng ra trả. Chứ bản thân những nhà mưu lược có tầm nhìn ngắn chả hề quan tâm!? Tợ như câu nói của Mr Đam. "HS đời chúng tôi không đòi được thì đời sau con cháu sẽ đòi!" 
Điển hình hồi Pháp xây dựng cứ điểm ĐBP, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Việt Minh tài chính nghèo nàn, đánh lén lút, quân đội chỉ là những nông dân nghèo chân đất, không được đào tạo, huấn luyện chi cả. Tướng thì tự phong-HCM phong ĐT cho Võ Nguyên Giáp. Họ có thừa lòng quyết tâm và ảo tưởng về cái chết cho một tương lai tươi sáng. Thực tế là VM phải trồng thuốc phiện để cải thiện tài chính mua súng đạn thặng dư sau đệ nhị thế chiến. Đồng thời nhận trợ giúp bằng bất cứ giá nào từ CS Trung Quốc để có vũ khí, thuốc men, thực phẩm, xe đạp thồ,...Thậm chí cả cố vấn quân sự với tinh thần quốc tế vô sản" vô tư", "trong sáng",  "không vụ lợi". Kết quả là có chiến thắng ĐBP vang dội địa cầu. "Mở" ra hàng loạt các cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa lấy cảm hứng từ chiến thắng của dân tộc Việt Nam? 
Trên đà chiến thằng làm nên "thiên sử vàng" ấy. Đảng và nhà nước nghèo mạt rệp, tiếp tục vay nóng, vay cắt cổ để tiếp tục có tiền, có của đổ vào chiến tranh ý thức hệ hai miền nam-bắc. Miền bắc, với đội quân được tuyên truyền tuyệt vời, lòng căm thù sâu sắc, ý chí  có thừa. Đi cũng chết, không đi cũng chết(ở nhà cha mẹ bị đấu tố, cắt sổ gạo, suất điền thổ,...), nên đi là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng. Và họ đã thực sự chiến thắng.
Tuy nhiên cái chiến thắng thống nhất quốc gia, độc lập toàn vẹn lãnh thổ ấy nói vậy mà không phải vậy. Bởi cái gọi là giải phóng, chỉ phần nào nằm trong tay VNCH. Còn cái nằm trong tay tinh thần quốc tế vô sản, trong sáng, không vụ lợi thì bất khả thi. Người anh em đồng chí vô vụ lợi ấy đã kịp siết nợ đảm bảo cho khế ước công hàm năm 1958 từ tay người miền nam. Thống nhất về mặt địa lý hãy còn dang dỡ, huống chi lòng người còn mãi xa vời!
Từ đây, ông thần cộng sản mê canh bạc chính trị ấy cũng hằng năm phải dâng cúng một phần nợ nần qua biên giới, hải đảo, tài nguyên thiên nhiên,...dần dần tổ 'đại bàng" hình chữ S của những thần dân có ngôi đình cộng sản ấy teo tóp lại chỉ còn là tổ "chim chích"!
Từ tổ đại bàng của tiền nhân để lại nay dần thu nhỏ. Cái tâm lý bất an ấy đã hình thành nên đám con dân chỉ biết đào khoét, khai thác tận thu, làm ăn chụp giựt, mánh mun xảo trá, hại mình, hại lẫn nhau. Thằng lớn thì tham nhũng lớn, thằng nhỏ tham nhũng nhỏ. Tất cả bọn chúng bị tâm lý ăn xổi ở thì đè nặng: Mai này mảnh đất ấy rồi cũng của "người". Thôi thì vét được gì lúc nào hay lúc ấy, tranh thủ mọi cơ hội có miếng đất cắm dùi ở trời tây, sở hữu hai ba quốc tịch.Tương lai biết ra sao ngày sau!?
Từ dạo ấy,  làng nghèo An Hiệp-làng được đổi tên sau khi sáp nhập lại cả ba làng cũ hồi xưa- nay con cháu chỉ mỗi có nghề làm gạch mộc. cả làng từ giàu đến nghèo thi với bà thuỷ đào bới đất. Người có đất nhà đào đất nhà, người nghèo không đất thì đi trộm đất sắp lở của hàng xóm, mót đất sau khi người ta đã khai thác. Gạch mộc làng làm ra bán cho làng bên đốt lò gạch nung với giá rẻ mạt. Giờ thì cả làng chẳng còn đất làm gạch nữa. Đâu đâu trong làng cũng ao hồ lỏm chỏm. Từ đấy làng An Hiệp được cái tiếng làng nghèo nhất huyện Châu Thành-Tỉnh Đồng Tháp. Làng tôi cũng trở thành làng điển hình tiên tiến về cái vụ thờ mấy ông thần cờ bạc bịp đại diện cho tổ chim chích thờ thần cộng sản vốn là vua cờ bạc bịp tồi, khốn khó quanh năm.