Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Giỏi nhưng vô tâm?

Trên tờ Tuổi Trẻ ngày 16 tháng 11, ở trang 10 có đăng tải chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần 338, với tiêu chí lần này là Học Bổng "Ngăn Dòng Bỏ Học". Phải thừa nhận một điều đây là chương trình khá hay của Tuổi Trẻ, một dạng thức từ thiện báo chí mang yếu tố chính trị, do bởi Thành Đoàn TP HCM và báo Tuổi Trẻ đứng ra đồng tổ chức, tài trợ. Và kỳ này thêm một nhà tài trợ chính cho chương trình là công ty Amway, một dạng công ty bán hàng đa cấp bùng nổ như nấm hiện nay ở Việt Nam?

Trong chương trình học bổng kỳ này có đề cập đến trường hợp của một học sinh ở Củ Chi đất thép thành đồng. Cậu bé học rất giỏi. Điểm tổng kết năm lớp 10 các môn đều rất cao như toán 8,4, vật lý 8,8; hoá học 8,2. Điểm trung bình cả năm 8,5 điểm hiện là học sinh lớp 11 trường trung học phổ thông Quang Trung. Nói về hoàn cảnh của cậu bé này cũng rất nghèo có cha là ông Đinh Huy Phong đi làm thợ hồ, mẹ làm công nhân ở một công ty gần nhà. Nhà nghèo nên dù cao 1,65m nhưng cậu chỉ nặng có 45kgs. Mẹ câu nói, cũng có lần nó theo cha đi phụ hồ nhưng vì sức khoẻ yếu quá nên thôi. Thay vào đó để có tiền phụ đỡ dần cho mẹ, câu bé Minh- tên của em học sinh, ngoài giờ học cậu đi bắt chim chào mào, chim sẻ để bán vừa phụ tiền cho cha mẹ, vừa để mua tập vở, sách bút dùng cho việc học. Theo cậu có ngày bắt được bảy con, có ngày bắt được hai con, mỗi con bán được 10 ngàn đồng!

Từ câu chuyện trên thiết nghĩ những người làm báo của TT đôi khi cũng chưa hiểu hết vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là hiện tượng săn bắt động vật hoang dã ồ ạt như hiện nay. Từ hành động bắt chim hoang dã của cậu học trò nghèo, cho thấy vấn đề giáo dục về tinh yêu thiên nhiên, săn bắt chim chóc có được đặt ra một cách nghiêm túc hay chưa? Liệu chúng ta có vì nhân danh cái nghèo mà tận diệt chim rừng như hành động của cậu học trò Minh ở trên hay không? Câu trả lời là có. Hàng ngày khắp các chợ chim trong thành phố này có hàng ngàn con chim hoang dã được bán một cách vô tội vạ nhằm cốt để phục vụ cho đám dân chơi chim vô tâm. Với họ nhìn con chim ngục tù đang ca hát như là một thú vui tàn ác và bệnh hoạn. Thậm chí họ thành lập các hội chơi chim, làm website quảng cáo rầm rộ mà không có bất kỳ cơ quan chức năng nào đến thăm hỏi sức khoẻ nguồn gốc chim rừng. Vâng để có một con chim khoẻ mạnh trong ngục tù lồng son gác tía ấy sẽ có bao nhiêu con bỏ mình? Hành động săn bắt chim rừng một cách bừa bãi như hiện nay, khiến từ thành phố đến thôn quê, rừng thẳm ở nước ta ngày càng thưa vắng tiếng chim hoang dã. Thay vào đó là tiếng kêu não nề của lũ chim tù ngục, thành phố chỉ còn những bày sẻ nhỏ cực kỳ sợ hãi con người!

Thiển nghĩ ngoài việc chọn các tiêu chí về hoàn cảnh gia đình vượt khó, học giỏi, cũng cần lưu tâm đến tính cách của chúng. Ngõ hầu sao cho đây phải là những đứa trẻ vừa có tài, vừa có tâm trong tình yêu thiên nhiên, vừa mang tính giáo dục. Cách làm như vậy mới hy vọng về một tương lai có một thế hệ nhân tài đẳng cấp, vừa tài và đức vẹn toàn được sàng lọc.

Đừng để có cái kiểu chọn người tài mà quá khứ đã từng ăn trộm chó hàng xóm bán thịt, bắt giết thú rừng bán cho quán nhậu,...Như là cách để mưu sinh, nuôi dưỡng lòng "hiếu học" lệch lạc về nhân cách. Liệu thể nào có một cách trao đổi: hy sinh tương lai của tự nhiên để nuôi dưỡng một tương lai học vấn thành đạt thiếu tình thương và tính nhân bản? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi nó là hình thái giáo dục hiện tại dẫn xã hội loài người đi vào những mối quan hệ xung đột triền miên. Xung đột giữa người với người. Xung đột giữa hình thái xã hội này với hình thái xã hội khác. Xung đột giữa con người với môi trường thiên nhiên,...cái mà chúng ta đã và đang thấy diễn ra liên tục từ khi có xã hội loài người từ cổ chí kim chưa bao giờ ngưng dứt!

Không có nhận xét nào: